Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển giao thông tĩnh Hà Nội: 14 năm vẫn dang dở - Bài 1: Quá tải trước sức ép gia tăng phương tiện

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 14 năm thực hiện Quy hoạch mạng lưới bến bãi, điểm đỗ xe công cộng tại Quyết định số 165/QĐ - UB ngày 2/12/2003 của UBND TP (Quy hoạch 165), giao thông tĩnh Hà Nội vẫn còn dang dở, bộn bề.

Hơn lúc nào hết, Hà Nội cần một Quy hoạch tổng thể và những giải pháp mang tính chiến lược để chấm dứt tình trạng phát triển lộn xộn, quản lý yếu kém trong lĩnh vực này.

Bài 1: Quá tải trước sức ép gia tăng phương tiện

Trong khi dân số và tốc độ đô thị gia tăng nhanh đến chóng mặt, lượng phương tiện giao thông đã đạt đến hơn 5,5 triệu chiếc, mạng lưới giao thông tĩnh của Hà Nội là gần như giậm chân tại chỗ, mới đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu.

Ở đâu cũng thiếu

Theo một số chuyên gia, mạng lưới giao thông tĩnh có thể chia làm 3 khu vực chính. Một là, các bến xe dành cho kinh doanh vận tải; Hai là, bãi đỗ xe công cộng tập trung; Ba là, điểm đỗ xe trong lòng các khu dân cư, khu đô thị. Mạng lưới giao thông tĩnh với cả 3 khu vực nêu trên đều đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng.

Điểm trông giữ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Hải Linh

Quy hoạch 165 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 TP sẽ có 6 bến xe khách liên tỉnh, 9 bến xe tải, hiện mới hoàn thành được 2 bến xe khách (đạt 36,3% diện tích dự kiến), 3 bến xe tải (đạt 8,4% diện tích dự kiến). Ngoài ra, theo thống kê của Sở GTVT, từ khi có Quy hoạch 165, 95 dự án bãi đỗ xe lớn đã được đề xuất thực hiện, nhưng sau 14 năm mới chỉ có 21 dự án hoàn thành, 15 dự án đang thi công, còn 59 dự án vẫn nằm trên giấy tờ. Riêng 7 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cấu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình có 34 dự án, thì 26 dự án đã chuyển đổi công năng hoặc chưa triển khai đầu tư. Đối với những điểm trông giữ xe cỡ vừa và nhỏ trong trung tâm TP, hiện thống kê được 728 điểm; trong đó 654 điểm được cấp phép, 74 điểm không phép hoặc hết hạn sử dụng. Nhóm điểm trông giữ xe vừa và nhỏ này chính là khu vực đang chịu áp lực căng thẳng nhất trong hệ thống giao thông tĩnh. Bởi lẽ đây chính là khu vực có nhu cầu cao nhất, xuất phát từ sự gia tăng phương tiện cá nhân theo quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa. Theo tính toán, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu đỗ xe; nghĩa là cứ 10 chiếc xe thì đến 9 chiếc không biết đỗ, gửi ở đâu.

Hệ lụy tất yếu

Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Chỗ đỗ xe bên trong và lân cận các khu đô thị, nhà chung cư hiện không thể đáp ứng hết nhu cầu. Còn những khu vực dân cư cũ, đặc biệt là nội đô lịch sử, trong khi quỹ đất không tăng thêm, đường ngõ được thiết kế từ vài chục năm trước, không tính đến sự bùng nổ ô tô cá nhân thì sự thiếu hụt lại càng nghiêm trọng. Hệ lụy tất yếu của tình trạng thiếu nơi đỗ, gửi xe đang khiến cả Hà Nội chật vật”.

Người dân vừa phải lo chỗ để xe tại nơi mình sinh sống, vừa phải nháo nhác tìm chỗ đỗ, gửi khi đi lại. Anh Lê Quốc Khánh (Hà Đông) chia sẻ: “Bây giờ muốn lái ô tô đến đâu cũng thấy ngần ngại. Đến nơi không biết có chỗ để xe không, không có lại để vạ vật, dừng đỗ sai quy định, bị phạt rất nặng”. Thậm chí, vì sống tại một khu tập thể cũ, ngõ vào chỉ vừa 2 chiếc xe máy tránh nhau nên phải rất khó khăn, anh Khánh mới tìm được chỗ gửi xe cách nhà mình hơn 1km. Thiếu chỗ gửi, nhiều người phải mang xe gửi vào trong khuôn viên các trường học, hay khu đất dự án chờ thi công… Nhưng đầu năm nay, nhiều trường học tại trung tâm TP đồng loạt từ chối cho gửi xe, còn các khu đất dự án thì chưa cơ quan chức năng nào dám cấp phép trông giữ; thiếu vẫn hoàn thiếu.

Từ thực trạng đó, những điểm trông giữ xe không phép, tự phát xuất hiện khắp nơi, thu giá phí tùy tiện chẳng theo quy tắc nào. Những điểm “nóng” nhất về trông giữ xe không phép xuất hiện nhiều quanh khu vực các bệnh viện, điểm du lịch tâm linh, trên một số tuyến phố thương mại sầm uất, lân cận một số bến xe lớn… Lực lượng chức năng cũng liên tục kiểm tra, xử lý, nhưng giống như một căn bệnh mãn tính, hết đợt kiểm tra, những bãi xe “chui” này lại tái xuất. Ông Đặng Chí Nga nhìn nhận: “Chừng nào nhu cầu của người dân vẫn chưa được đáp ứng thì hoạt động trông giữ xe không phép sẽ còn tiếp diễn, không cách gì ngăn chặn được”.

Thiếu chỗ đỗ, gửi, xe cộ phải chạy lòng vòng trên đường nhiều hơn; tạo nên áp lực nặng nề cho cả hệ thống giao thông nói chung chứ không riêng gì giao thông tĩnh.

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội 

Phạm Văn Đức

(còn nữa)