Phát triển giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang vật lộn với ùn tắc giao thông (UTGT), chịu nhiều áp lực từ ô nhiễm môi trường không khí. Trong bối cảnh đó, giao thông xanh với các loại hình như xe đạp; xe chạy bằng điện, khí CNG… có thể coi là “liều thuốc bổ tổng hợp” để giải quyết vấn đề nêu trên.

Nhanh chóng đưa giao thông xanh vào đời sống
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.
 Xe điện du lịch tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Ở Hà Nội, trong khi UTGT và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng xe cá nhân gia tăng mất kiểm soát, gây quá tải hạ tầng, đe dọa môi trường, giao thông xanh lại vẫn còn khá mới mẻ. Đa số người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải công cộng (VTCC), mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định, TP có khoảng 10 triệu dân mà có tới gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong đó là xe máy, thì đương nhiên sẽ khó lòng hạn chế được UTGT và ô nhiễm không khí.
Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai. “Nếu không muốn để lại cho con cháu một TP hỗn loạn vì giao thông, mịt mù khói bụi độc hại, chúng ta phải nhanh chóng đưa giao thông xanh vào đời sống thực tế” - ông Tân nhấn mạnh.
Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều nơi đã phát triển mạnh mẽ giao thông xanh. Ví dụ như Hà Lan được coi là vương quốc xe đạp; Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn xe máy, người dân sử dụng VTCC là chính; Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuê với giá rẻ, tiện lợi ở nhiều TP. Nhiều nước phát triển đang dần thay thế ô tô sử dụng xăng bằng ô tô điện, pin mặt trời…
Trong khi đó, Hà Nội mới chỉ bắt đầu có sự xuất hiện của xe buýt sử dụng khí CNG, xe máy điện nhưng ô tô điện và xe đạp thì vẫn còn rất khiêm tốn. Trong năm 2020, Hà Nội đón chào sự xuất hiện của tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, năm 2021 sẽ có thêm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Đây là loại hình VTCC khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là Hà Nội phải hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa...
Bắt đầu với nguồn lực chính sách
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội chưa đủ điều kiện để phát triển mô hình giao thông xanh; đặc biệt là thiếu nguồn vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt sạch, xe đạp công cộng… Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng: “Khó khăn thì ở đâu cũng có. Cái khó nhất không phải thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất mà là thiếu ý thức tự giác, đoàn kết vì lợi ích chung của không ít người dân”.
Thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu bén rễ trong bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội. Mỗi khi đề cập tới việc hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi phương tiện sang đi bộ, xe đạp, xe buýt, chính quyền TP lại gặp không ít khó khăn, ý kiến trái chiều.
Để xây dựng được một Hà Nội văn minh, hiện đại, đáng sống với giao thông xanh, nguồn lực đầu tiên cần đến là chính sách. Thực vậy, các cấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho VTCC; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.
TP cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các DN kinh doanh VTCC hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Đồng thời coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến VTCC.
Song song với đó là các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với VTCC, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế tối đa trở ngại cho cho VTCC khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích nguồn lực xã hội nhằm đầu tư cho đường sắt đô thị cũng như phát triển các loại hình phương tiện xanh khác.
Các cơ quan công chính và DN tại Hà Nội cần đi đầu trong phong trào hạn chế sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng dầu, chuyển sang sử dụng xe đạp, xe buýt sạch, tàu điện, xe máy, ô tô điện. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là điểm đột phá, đưa chính sách hạn chế xe cá nhân vào đời sống đô thị của Hà Nội. TS Đặng Minh Tân phân tích, có đến hàng trăm nghìn cán bộ, công nhân viên, công chức, viên chức của Hà Nội, dù nhu cầu đi lại không nhiều nhưng vẫn sử dụng xe máy, ô tô riêng hàng ngày. “Nếu chuyển hóa lực lượng này sang đi bộ, đi xe đạp, tàu điện, xe buýt sẽ giảm đáng kể UTGT, ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy được phong trào xanh hóa giao thông trong lòng Hà Nội” - ông Tân chia sẻ.
Một trong những kế hoạch nhằm phát triển giao thông xanh tại Hà Nội là hình thành hệ thống cho thuê xe đạp với giá rẻ để phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống VTCC. Xe đạp vốn là loại phương tiện nhỏ, chiếm ít diện tích lưu thông cũng như dừng đỗ, phù hợp với hiện trạng giao thông còn nhiều đường phố nhỏ, ngõ nhỏ như Hà Nội.
Bất cứ khu vực nào cũng có thể thiết lập các trạm xe đạp công cộng, đặc biệt tại những nhà ga tàu điện, bến xe buýt, khu trung tâm sầm uất, nơi gần đường giao thông chính. Với sự phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ thông tin như hiện nay, không khó để quản lý những chiếc xe đạp, tránh mất mát, hư hại.
Hơn nữa, việc vận hành những trạm xe đạp còn có thể dùng máy móc thay thế tối đa sự hiện diện của con người mà vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Mô hình trạm xe đạp công cộng vừa dễ thực hiện với chi phí rẻ, vừa mang lại hiệu quả rất lớn cho giao thông đô thị, môi trường TP.
Có thể thấy giao thông xanh là giải pháp toàn diện cho đô thị Hà Nội trong hiện tại và cả tương lai. Chính quyền cũng như Nhân dân TP cần chung tay, đồng lòng vì một Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn đưa phương tiện xanh vào chiếm lĩnh mạng lưới giao thông của Hà Nội cần quyết tâm và nỗ lực vô cùng to lớn của cả TP, từ chính quyền cho tới người dân. Với vai trò, vị thế là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước, Hà Nội lại càng phải tích cực đẩy nhanh quá trình xanh hóa giao thông, vừa để phát triển đô thị bền vững, vừa là nhân tố chính, lan tỏa nếp sống xanh ra cả nước.