Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị là 1 trong 3 đột phá chiến lược

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng chia sẻ tại Hội thảo"Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị Chính sách cho Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra tại Hà Nội diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

 Ảnh minh họa
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 Việt Nam, đã xác định việc "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong 3 đột phá chiến lược.
Sự đồng bộ thể hiện ở 10 lĩnh vực kết cấu hạ tầng bao gồm: Giao thông; cấp điện; thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị; khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế; thương mại; công nghệ thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế; văn hoá, thể thao, du lịch. “Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 04 lĩnh vực trọng tâm là hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn”, ông Thắng chia sẻ.
Theo đại diện KH&ĐT, thực hiện mục tiêu nêu trên, thời gian qua kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với 4 lĩnh vực hạ tầng trọng tâm:
Hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước như việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 1050 km đường cao tốc; các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Pleiku; Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu...
Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành và đang được xây dựng như Thủy điện Sơn La, Lai Châu; Nhiệt điện Duyên Hải, Mông Dương 1, Vũng Áng I, Vĩnh Tân II; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn... đã tăng thêm 18,5 ngàn MW công suất nguồn; khoảng 7,6 ngàn km truyền tải các loại 500kV, 220kV và 37,4 ngàn MVA công suất các trạm biến áp. 
Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long…
Về hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch đã được triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần nâng cao năng lực trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn cũng đang được triển khai tích cực ở các địa phương.
Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa các nguồn vốn ngân sách nhà nước khả dụng, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua mô hình PPP. Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai được 147 dự án (không tính các dự án theo loại hợp đồng BT) với tổng mức đầu tư khoảng 1.144.152 tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD). Những dự án với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân quan trọng này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Theo Bộ KH&ĐT, mặc dù Chính phủ, các cấp, các ngành đã nỗ lực trong thời gian qua, song một số thách thức lớn đối với phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam trong thời gian tới: Thứ nhất, quy mô nền kinh tế không lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì mức đầu tư cao từ ngân sách nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế; Thứ hai, áp lực của trần nợ công tăng cao, đồng thời Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn vay nước ngoài dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm và sẽ phải vay vốn ưu đãi với mức lãi cao hơn;
Thứ ba,việc duy trì và cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế. Thứ tư,các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua mô hình đầu tư PPP vẫn còn hạn chế do các nguyên nhân như: nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính tham gia; năng lực thực hiện còn yếu; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh và còn thiếu các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư (rủi ro về doanh thu, rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ…); đi cùng là việc thực thi chưa đảm bảo yêu cầu về tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường.
Ngoài ra, còn có một số tồn tại làm ảnh hưởng tới quá trình thực hiện đầu tư theo mục tiêu của Chiến lược như: Thị trường vốn tại Việt Nam chưa phát triển, trong khi các ngân hàng thương mại còn hạn chế về khả năng cấp tín dụng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế, bao gồm cả việc quản lý vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát và sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương. “Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, trong đó có những dự án lớn thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”- thứ trưởng Vũ Đại Thắng bày tỏ.