Phát triển hệ thống bán lẻ riêng: Đòi hỏi cấp thiết từ vụ việc Big C

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Big C ra thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc của DN Việt Nam phải chăng là bước đi đầu tiên nhằm đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống để đưa hàng ngoại tràn vào thị trường Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi ngành công thương và DN Việt phải có cách ứng phó trong tình hình mới đó là phát triển hệ thống bán lẻ riêng làm đối trọng với DN ngoại.
Hàng ngoại cạnh tranh quyết liệt hàng nội
Trước phản ứng của DN và các cơ quan truyền thông cũng như sự vào cuộc của Bộ Công Thương, ngày 4/7, Big C đã phải mở lại đơn hàng may mặc cho 50 DN cung cấp và cam kết trong 2 tuần tiếp theo sẽ mở lại đơn hàng với 100 nhà cung cấp; Số DN còn lại, Big C sẽ đánh giá, xem xét năng lực sản xuất cũng như yếu tố chất lượng, giá cả.
 Người tiêu dùng mua quần áo Việt Nam tại Big C Thăng Long ngày 6/7. Ảnh: Lê Nam
Tuy nhiên, thông tin này cũng không khiến DN Việt Nam mừng rỡ mà đặt ra nghi ngờ, đây chỉ là cách Big C xoa dịu người tiêu dùng đang kêu gọi tẩy chay Big C. Bà Chu Thị Thọ, đại diện Công ty TNHH Đài Trang và nhiều DN may mặc cho rằng: Việc làm này của Big C chỉ là mở đơn hàng (code) thì chưa nói được điều gì. Thậm chí Big C với lý do hàng không đủ tiêu chuẩn sẽ tìm cách đẩy hàng Việt Nam ra khỏi hệ thống bán lẻ, để bán hàng nhập ngoại, trong đó có hàng Thái Lan.
Trước ý kiến của DN, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã tìm hiểu tại Big C Thăng Long chiều ngày 6/7. Thực tế khảo sát cho thấy tại Big C Thăng Long mặt hàng may mặc vẫn do DN Việt Nam cung ứng, nhưng trên nhiều quầy bán hàng may mặc, hàng Thái Lan và hàng nhập khẩu chiếm số lượng tuyệt đối.
Tại quầy hóa mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm các nhãn hiệu quen thuộc của các công ty đa quốc gia sản xuất ở Việt Nam Pantene, Rejoice, Head & Shoulder... đã vắng bóng, thay vào đó là hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Ngoài ra, nhằm quảng bá mỹ phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Big C Thăng Long còn dành diện tích trưng bày các loại mỹ phẩm Thái Lan nhập khẩu.
Ngay cả những mặt hàng tiêu dùng thường nhật như miến, bún khô… cũng xuất hiện nhiều sản phẩm đến từ Thái Lan. Thậm chí mặt hàng thực phẩm đặc sản vùng miền đang được DN Việt Nam sản xuất như nước cốt dừa Bến Tre, cá nục… đóng hộp cũng xuất hiện sản phẩm Thái Lan.
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ
Để hạn chế đến mức tối đa việc DN bán lẻ nước ngoài giảm tiêu thụ hàng Việt, đòi hỏi Bộ Công Thương phải có ngay quy định cụ thể về tỷ lệ hàng Việt bày bán trong siêu thị, đồng thời xây dựng quy chế khuyến khích DN Việt Nam phát triển hệ thống bán lẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan: Mặc dù DN Việt Nam đang cố gắng phát triển hệ thống bán lẻ, nhưng DN Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp ngành bán lẻ Việt Nam chưa cao, ứng dụng khoa học và công nghệ của các DN Việt Nam còn thấp, trong khi đây lại là thế mạnh của DN bán lẻ nước ngoài. Mặt khác, việc xây dựng chiến lược và quy hoạch mạng lưới bán lẻ, siêu thị ở Việt Nam phần nhiều mang tính tự phát, dẫn đến có sự mất cân đối cung và cầu ngay tại các địa phương trong nước.
Xuất phát từ thực tế trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng kiến nghị, trong thời gian tới, Nhà nước bên cạnh việc quy hoạch hệ thống bán lẻ cần xây dựng chính sách, khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, tín dụng, cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại điện tử... qua đó giúp DN bán lẻ phát triển hệ thống siêu thị đủ sức để cạnh tranh sòng phẳng với DN bán lẻ nước ngoài.
“Trong khi các siêu thị ngoại tăng chiết khấu 20 - 30%, dừng hợp đồng đột ngột như Big C để loại hàng Việt ra khỏi hệ thống thì việc Vingroup sẵn sàng chiết khấu 0% cho DN trong nước là điều đáng khuyến khích. Ngoài ra Nhà nước phải quy hoạch rõ lại hệ thống phân phối, thậm chí trong một số trường hợp, nếu như DN nội và ngoại cũng đáp ứng các điều kiện tương đương thì phải ưu tiên lựa chọn DN trong nước” - ông Phú nêu ý kiến.
Từ vụ việc Big C “quay lưng” với hàng Việt cho thấy, để cạnh tranh với hàng ngoại nhập và hàng Việt muốn có chỗ đứng bền vững trên thị trường cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách hỗ trợ DN. Đồng thời tổ chức các rào cản kỹ thuật qua đó kiểm soát hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.