Phát triển không gian công cộng từ chợ truyền thống: Tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thiếu các không gian công cộng đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đô thị Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, Thủ đô cần phát triển hệ thống các chợ truyền thống để tạo thêm không gian công cộng cho các khu dân cư.

 Quang cảnh chợ Đồng Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Không chỉ là nơi giao thương
Theo số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn Thủ đô có 454 chợ truyền thống các loại, trong đó riêng địa bàn 12 quận có gần 160 chợ, chiếm khoảng 35% tổng số chợ truyền thống của TP. Hơn 40% lượng thực phẩm hàng ngày vẫn được người dân Thủ đô mua từ các chợ truyền thống, khoảng 40% thực phẩm được mua bán từ hàng rong.

KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho biết, đối với người Hà Nội, chợ vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống; là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng và đa dạng. Hơn nữa, mối quan hệ thân thiết giữa người mua và người bán giúp xây dựng một cộng đồng gắn kết. Như vậy, chợ không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi gìn giữ nét văn hóa của Hà Nội.
Thực tế đã chứng minh các nước phát triển, chợ dân sinh vẫn mang lại những nguồn lợi kinh tế khổng lồ không thua kém các siêu thị, trong khi lại phục vụ được quảng đại quần chúng.

Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam Vũ Thị Vinh
Đối với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, chợ truyền thống vốn đã là một không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu vực. Cho đến nay, truyền thống này vẫn được duy trì, ngay cả ở trong vùng nội đô lịch sử, trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội nghìn năm.

Giám đốc Chương trình TP Sống tốt (Health Bridge) Việt Nam Kristie Daniel cho rằng, việc phát triển các mô hình chợ truyền thống trong khu vực nội đô sẽ mang lại kết quả tích cực cả về phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra các không gian công cộng. Những thành công này đã được chứng minh ở nhiều nước châu Âu và TP Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này. “Ví như Barcelona (Tây Ban Nha) - một đô thị nổi tiếng với những chợ truyền thống. Toàn TP có 43 khu chợ truyền thống, tạo cơ hội kinh doanh và việc làm cho khoảng 8.000 cá nhân, tiểu thương, phục vụ khoảng 65 triệu lượt khách/năm với tổng doanh thu trên 1 tỷ Euro. TP này cũng đã dành ra hơn 133 triệu Euro để cải tạo các chợ truyền thống phù hợp với nhu cầu thực tế, để người dân có thể dễ dàng hơn trong việc đi chợ và góp phần phát triển kinh tế” - bà Kristie Daniel nói.
 Hoạt động văn hóa được tổ chức vào mỗi tối cuối tuần trước cổng chợ Đồng Xuân. Ảnh: Doãn Thành
Tổ chức hoạt động văn hóa

Đối với TP Hà Nội, thời gian gần đây, với chủ trương đẩy mạnh phát triển các hoạt động dịch vụ để khai thác tiềm năng từ ngành du lịch. Các chợ truyền thống trong nội đô không chỉ còn là nơi trao đổi, buôn bán giữa các tiểu thương và người dân về nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, chợ đã trở thành những điểm đến văn hóa – du lịch, thu hút du khách cả trong và ngoài nước.

Theo KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội, chợ là một không gian công cộng dành cho cộng đồng dân cư sống quanh khu vực, nhưng không nên hiểu không gian công cộng ở đây chỉ bó hẹp trong việc buôn bán, giao thương là nơi gặp mặt giữa người với người. Mà chúng ra cần phải đưa thêm các hoạt động văn hóa lồng ghép vào với các hoạt động thương mại của chợ. Đây chính là giải pháp để duy trì và tạo thêm không gian công cộng cho người dân từ mô hình những chợ truyền thống. Các hoạt động văn hóa ở đây là các hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt như hát ca trù, hát văn, hát chèo... thậm chí có thể là các trò chơi dân gian, tạo ra những không gian công cộng mở.

“Chợ Đồng Xuân là một trong những địa điểm đã thực hiện rất tốt mô hình không gian công cộng kết hợp giữa thương mại và văn hóa. Khi đến chợ Đồng Xuân vào buổi tối, người dân và du khách không chỉ được đi mua sắm ở chợ đêm, mà còn được nghe hát văn, hát ca trù... Tôi nghĩ các chợ truyền thống trong khu vực nội đô nên nhân rộng mô hình này, vừa có thể tăng thêm lợi nhuận kinh doanh vừa có thể mở rộng không gian công cộng cho các hoạt động văn hóa truyền thống” - KTS Lê Văn Lân nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải duy trì và bảo tồn các hoạt động của chợ truyền thống của Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực nội đô. Các chợ truyền thống gắn liền với nhu cầu hàng ngày của những người bình dân, trước xu thế của những siêu thị hay những siêu thị thông minh đang lấn chiếm thị phần của chợ dân sinh, cơ quan chức năng càng phải vào cuộc để bảo tồn mô hình này. "Để chợ dân sinh duy trì, phát triển cần thay đổi phương thức quản lý, kinh doanh, quản lý chặt chẽ các sản phẩm, mặt hàng tại chợ, người dân cũng phải thay đổi thói quen đi chợ như ý thức về vệ sinh môi trường hay việc tự ý dùng đưa các phương tiện cá nhân xe máy, xe đạp vào để mua sắm" - TS Vũ Thị Vinh - Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam nhìn nhận.
Chợ dân sinh là những khu vực đóng góp phần lớn trong việc tiêu thụ nông sản tại khu vực nông thôn của Hà Nội. Không những vậy, chợ dân sinh còn giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động phổ thông tại địa bàn, đặc biệt là các lao động chuyển đổi nghề do thu hồi đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư muốn đầu tư vào mô hình này vì hạ tầng kiến trúc được thiết kế đơn giản và nhanh thu hồi lại vốn.

TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần