Phát triển kinh tế tập thể: Gia tăng giá trị nhờ công nghệ cao

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, toàn TP hiện đã hình thành được 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 44 mô hình do các hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư, quản lý. Ứng dụng công nghệ cao đang được xem là hướng đi cho phát triển kinh tế tập thể, nhờ mang lại giá trị kinh tế vượt trội.

 Chăm sóc hoa, cây cảnh tại Hợp tác xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Lâm Nguyễn
Đa dạng loại hình sản xuất

Cuối năm 2017, HTX nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng) đứng ra thuê trên 2.000m2 đất của bà con nông dân. Trên cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cán bộ, thành viên HTX đã chung vốn, đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới tự động tiết kiệm nước trên diện tích 1.200m2.

Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Song Phượng Tạ Thị Hải cho biết, việc đầu tư công nghệ giúp rau củ quả có điều kiện sinh trưởng, phát triển ổn định, cho năng suất và chất lượng tốt hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX TP Hà Nội, từ năm 2018, sản phẩm rau củ quả an toàn của HTX đã được chứng nhận VietGAP, nhờ đó, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn.

Đáng vui mừng, khi HTX nông nghiệp Song Phượng chỉ là một trong số 44 HTX trên địa bàn Hà Nội đang mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, có không ít HTX không chỉ đầu tư phát triển một loại hình sản xuất, mà còn từng bước mở rộng đầu tư công nghệ cao sang nhiều lĩnh vực khác. Điển hình như: HTX phát triển nông nghiệp và dịch vụ thương mại Hiệp Thư (huyện Gia Lâm), hiện đang ứng dụng công nghệ vi sinh nuôi giun quế xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò sữa, kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng hoa, cây cảnh.

Gỡ khó cho các hợp tác xã

Thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do các HTX làm chủ đã phát huy hiệu quả kinh tế rất tích cực. Đặc biệt là tạo chuyển biến lớn trong nhận thức sản xuất của một bộ phận người nông dân. Tuy nhiên, để nhân rộng được các mô hình này, lại không phải câu chuyện dễ dàng.

Giám đốc HTX Rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Khảm cho biết, ứng dụng nhà màng, nhà lưới vào sản xuất rau củ quả an toàn đã 4 năm nay, nhưng hoạt động của HTX hiện vẫn còn không ít khó khăn. Bên cạnh nguồn vốn, quỹ đất, trình độ của cán bộ quản lý, thì bài toán bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn vẫn là rào cản lớn đối với HTX. Đây cũng là những khó khăn chung được nhiều HTX chỉ ra trong bối cảnh xu thế cạnh tranh ngày càng lớn, và ứng dụng công nghệ cao trở thành một đòi hỏi cấp thiết.

Để hỗ trợ các HTX có được nguồn vốn, hàng năm, TP đã bố trí ngân sách thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (thuộc Liên minh HTX TP Hà Nội) để cho vay các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, Liên minh cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các HTX thành viên. Đối với bài toán tiêu thụ nông sản, hàng hóa, các HTX trên địa bàn TP cũng thường xuyên được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do T.Ư, TP tổ chức… Đây là những điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp tục có phát triển.

Dẫu vậy, để thúc đẩy các HTX quan tâm, tiếp tục mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cần có thêm nhiều hơn những chính sách đặc thù về vốn vay, ưu đãi cho thuê đất, cũng như các cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất – tiêu thụ hàng hóa, nông sản từ các sở, ngành. Có như vậy, các HTX mới không đơn độc trên đường phát triển.