Phát triển ngân hàng số: Chính sách chưa theo kịp thị trường

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hình thành nên ngân hàng số - xu hướng mới cho ngân hàng nhưng cũng đặt ra những thách thức khi mà các quy định hiện hành đều chưa theo kịp sự phát triển.

Đây là ý kiến của giới ngân hàng tại hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” tổ chức ngày 19/12.
Làm sao xác nhận được khách hàng?

Khi giao dịch ngân hàng số có nghĩa khách hàng không tiếp xúc trực tiếp với ngân hàng, mà xác nhận qua chữ ký số, sinh trắc học… Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, làm sao xác nhận được khách hàng.

“Trong hệ thống pháp luật Việt Nam khung pháp lý về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số cơ bản đã được thiết lập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc khi áp dụng chữ ký số vào thực tiễn”- ông Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT, Ngân hàng Vietcombank nêu. "Mỗi nơi triển khai một kiểu, trong một số văn bản vẫn quy định phải có chữ ký tươi, đóng dấu đỏ. Nhiều đơn vị kiểm tra mà thấy chữ ký photo xong đóng dấu đỏ cũng không chấp nhận. Chưa kể Việt Nam còn nhiều loại trường hợp như ký thay, thừa lệnh, ủy quyền… Sẽ giải quyết những vấn đề trên trong môi trường mạng như thế nào?”.

Giao dịch tại chi nhánh NCB Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Với yếu tố sinh trắc học cá nhân (như khuôn mặt, mống mắt, vân tay, giọng nói) tại Việt Nam cũng chưa có một cơ sở dữ liệu tập trung. Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong TPBank bày tỏ, một trong các điều kiện quan trọng để phát triển mô hình ngân hàng số tại Việt Nam là đầu tư nghiên cứu để sớm triển khai cơ sở dữ liệu tập trung về thông tin khách hàng và giải pháp xác thực khách hàng điện tử. Cụ thể, cho phép ngân hàng được kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước công dân của Chính phủ và các trung tâm thông tin tín dụng để có thể nhận biết khách hàng và phân tích lịch sử tín dụng. Đồng thời, hệ thống tòa án và các cơ quan tư pháp phải công nhận các chứng từ, dữ liệu, chữ ký điện tử... giảm thiểu đến mức tối đa các loại giấy tờ giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng.

Thượng tá Trần Hồng Phú- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho hay, thông qua công tác cấp căn cước công dân, cơ quan công an đã cấp gần 8 triệu số định danh cá nhân cho công dân. chậm nhất đến năm 2020 sẽ phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

An toàn thông tin, hệ thống chưa theo kịp

Một thách thức lớn trong ngân hàng số, thứ nhất là bảo mật an toàn. Đại diện Vietcombank chia sẻ, thực tế hệ thống vẫn có những lúc nghẽn làm gián đoạn cung cấp dịch vụ, hầu như rất nhiều ngân hàng gặp phải. Thứ hai là chất lượng hạ tầng công nghệ các vùng miền trong việc mở rộng dịch vụ ngân hàng số. Thứ ba là thay đổi công nghệ khi mà vòng đời các thiết bị có xu hướng bị rút ngắn, đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cấp, thay đổi, cập nhật dịch vụ liên tục để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Là ngân hàng định vị tiên phong đi theo con đường số hóa, TPBank liên tục có những sáng tạo trong các sản phẩm dịch vụ về ngân hàng số nhưng ông Nguyễn Hưng cho biết: Để đưa ra các sản phẩm phải xin phép, trong khi các quy định trong những thông tư hiện hành hầu hết không cập nhật kịp thời. Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “ Các văn bản quy định pháp luật được xây dựng từ nhiều năm trước, khi mà chưa ai nghĩ sau này có QR Pay, Tokenization... như bây giờ nên khi cấp phép, đối chiếu vào các quy định đó thì cả người xin phép lẫn người cấp phép đều không có cơ sở để thực hiện".

Theo đại diện nhiều ngân hàng, ở phương diện quản lý cần quan tâm là bảo vệ thông tin cho khách hàng. Đơn cử như số điện thoại di động là định danh chính, nhưng đang chịu cảnh rất nhiều thông tin quảng cáo, ảnh hưởng không nhỏ tới bảo mật thông tin. Ngay cả xu hướng hợp tác giữa các công ty công nghệ trong ngành tài chính (Fintech) và ngân hàng đang tăng thì hành lang pháp lý cũng chưa sẵn sàng. Nhằm thúc đẩy mạnh chương trình số hóa tại Việt Nam, các ngân hàng đề nghị Chính phủ, NHNN và các bộ ngành liên quan rà soát các quy định pháp luật, các chính sách về công nghệ, hệ thống và các nhà cung cấp dịch vụ, để giải quyết các vấn đề về quyền bảo mật, an ninh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng và tạo dựng một sân chơi bình đẳng.
Chính phủ và NHNN cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung đối với những vướng mắc pháp lý hiện tại, đồng thời nghiên cứu xây dựng các quy định mới về ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng như công nghệ sổ cái phân tán (blockchain), điện toán đám mây (computing cloud),… cần nhanh chóng sửa đổi quy định tại nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống rửa tiền và các hướng dẫn liên quan như luật về thanh toán, nội dung cấp phép,quản lý giám sát, có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng , bảo vệ dữ liệu người dùng….
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH ERNST & YOUNG Việt Nam
Nguyễn Thùy Dương
Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như xây dựng hành lang pháp lý mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán trong kỷ nguyên số là rất cần thiết. 
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh