Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển nhà dưỡng lão gắn với truyền thống người Việt

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi (NCT) 1/10. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão với truyền thống văn hóa của người Việt, đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân mà còn chăm sóc sức khỏe cho NCT, tập trung vào các bệnh mãn tính.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Thời gian qua, tuổi thọ của NCT ở Việt Nam đã được tăng lên nhưng tuổi thọ khỏe mạnh vẫn thấp. Chính vì vậy, chính sách để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm. Phó Thủ tướng đề nghị, Việt Nam cần chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng.
Theo thống kê của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Việt Nam là nước có tốc già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi.
4 vấn đề trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian tới việc chăm sóc sức khỏe NCT cần tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, tổ chức hệ thống, mạng lưới chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm, năng lực của y tế cơ sở trong quản lý các bệnh không lây nhiễm ở NCT. Phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe NCT, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Thứ hai là vấn đề tài chính y tế (chính sách BHYT), dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai, trong đó cụ thể về chính sách khám chữa bệnh, BHYT, chi phí tiền thuốc bệnh không lây nhiễm. Thứ ba là vấn đề nhân lực: Thực trạng nhân lực, trình độ chuyên môn, phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mạn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng, nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn bệnh tiến triển. Thứ tư là thực trạng trang thiết bị, thuốc, quản trị (chính sách, thể chế, tổ chức hệ thống), thông tin) và tiếp cận sử dụng của NCT.