Phát triển tài chính tiêu dùng: Lợi ích kép

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số vốn để mở cửa hàng thu mua nguyên liệu, mở một cửa hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa hay kinh doanh trực tuyến, thậm chí là dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp… với sự nở rộ của dịch vụ cho vay tiêu dùng (CVTD), đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp đã có thể tiếp cận được dễ dàng.

“Cứu cánh” cho nhu cầu tài chính nhỏ
Chị Thu Hà ở Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) cho biết, trước đây, chị làm nhân viên văn phòng với thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Là người “ham” kinh doanh nhưng lại không có vốn. Nhờ có khoản vay 50 triệu đồng từ một công ty tài chính (CTTC) chị mới có thể mở một quầy cơm bình dân ngay tại nhà và gia tăng thu nhập cho gia đình. Không riêng chị Hà mà nhiều người có thu nhập thấp dưới “chuẩn” đã và đang được tiếp cận vốn vay tiêu dùng để giải quyết các vấn đề sinh kế cấp bách và các nhu cầu khác.

Tư vấn cho khách hàng dịch vụ trả góp mua hàng tại siêu thị Điện máy Xanh. Ảnh: Trần Anh

Dạo qua một vòng các cửa hàng kinh doanh điện máy trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy như: Thế Giới Di Động, FPT Shop, Nguyễn Kim…, có không ít nhân viên CTTC (ACS, FE Credit, Home Credit …) chào mời khách hàng vay vốn mua hàng trả góp với các điều kiện đơn giản, không cần tài sản thế chấp, giải quyết nhanh chóng.
Thậm chí, vay theo hóa đơn tiền điện là chương trình dành cho khách hàng không chứng minh thu nhập (thay thế cho hình thức vay theo bảng lương công ty). Chỉ cần đứng tên trên hóa đơn điện là được cấp vay lên đến 50 triệu đồng hoàn toàn dễ dàng về quy trình lẫn chứng từ chuẩn bị. Cụ thể, tiền điện từ 300.000 - dưới 550.000 đồng, số tiền sẽ được vay từ 8 - 14 triệu  đồng với lãi suất 2,95%/tháng. Từ 550.000 - dưới 1 triệu đồng được vay từ 15 - 30 triệu đồng với lãi suất 2,17%. Với tiền điện trên 1 triệu được vay từ 15 - 50 triệu đồng, lãi suất 1,66%/tháng. Một số khách hàng khác chỉ cần bằng lái xe, hộ khẩu đã có thể vay mua điện thoại trị giá 10 triệu đồng, trả góp trong 12 tháng,
Tháo gỡ rào cản lãi suất
Tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế và chiếm gần 10% GDP. Dự báo, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, CVTD góp phần thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức, giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” có lãi suất quá cao. CVTD cũng là một công cụ quan trọng để kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
 Khách hàng đăng ký vay tín dụng tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Cho đến thời điểm hiện nay, đã có 15 CTTC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.  Trong số 15 đơn vị, 4 DN nắm giữ trên 80% thị phần CTTC tiêu dùng là FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance. Sau khi Thông tư 43/2016 quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC do NHNN ban hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 thì việc tiếp cận các loại hình dịch vụ này càng trở nên dễ dàng hơn nhờ các quy định bắt buộc CTTC phải công khai các điều khoản, lãi suất cho vay, thậm chí cả quy định về nhắc nợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng ở mức cao nhất.
Theo TS Cấn Văn Lực, lãi suất CVTD tại Việt Nam hiện phổ biến ở mức 20 - 40%/năm. Nhiều trường hợp còn có thể vay với lãi suất chỉ trên dưới 20% nếu có lịch sử tín dụng tốt. TS Lực cũng nhấn mạnh, mức lãi suất CVTD của các CTTC không cố định mà được thỏa thuận giữa 2 bên, căn cứ theo hồ sơ tín dụng của từng khách hàng và mức rủi ro của từng khoản vay. Vì vậy, trước khi nộp đơn yêu cầu khoản vay tín chấp, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ dịch vụ, cân đối mức thu nhập và khả năng trả nợ. Ngoài ra, khách hàng cần đọc và hiểu rõ nội dung hợp đồng và chỉ ký hợp đồng khi hiểu rõ trách nhiệm thực hiện hợp đồng của mình để có thể đảm bảo khả năng thanh toán đúng hạn, tránh những rủi ro khiếu nại không đáng có.
Cửa sẽ còn rộng thêm
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12/8, để thúc đẩy GDP, Thủ tướng Chính phủ đồng tình các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa. Theo báo cáo của Viện Quản trị Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội, tiềm năng phát triển của thị trường này cũng được đánh giá là vô cùng lớn. Có tới 98,97% người được khảo sát biết về việc cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, CTTC  và có đến 65,55% sẵn sàng vay từ nguồn vốn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần