Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển thương mại nông sản: Cạnh tranh từ công nghệ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù với nhiều lợi thế nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, tổ chức thị trường kém… là những bất cập của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đó là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 ngày 5/6, với chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt”.

 Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Nhiều bất cập
Tại Diễn đàn, đa số các đại biểu đều khẳng định, có được kết quả đó, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là khối kinh tế tư nhân với 13.700 DN, 33.000 hộ trang trại, chưa kể hàng nghìn HTX nông sản xuất khẩu (XK) đóng vai trò đầu tàu, quan trọng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kinh tế tư nhân đang góp phần đắc lực vào tăng trưởng và phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chưa có chuỗi liên kết sâu, chưa xử lý được các bất cập về vật tư đầu vào, chất lượng nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu...
Hiện tính liên kết 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và đặc trưng của địa phương, làng, xã là tồn tại lớn nhất cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, khâu chế biến đang rất hạn chế, dẫn tới việc đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là phục vụ XK còn nhiều khó khăn. Ngoài ra còn bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, vấn đề tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chưa tổ chức được thị trường trong nước…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Theo Chủ tịch HĐQT Lina Network Vũ Trường Ca, dù có lợi thế về điều kiện địa lý, con người, thổ nhưỡng… nhưng nông sản Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nếu ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết được bài toán này. Trong đó, công nghệ Blockchain phát triển mạnh sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động của xã hội trong những năm tới khi minh bạch, có thể truy xuất, an toàn chuẩn hóa và liên kết chuỗi với nhau.

Phó Chủ tịch điều hành cấp cao Central Group Trần Thanh Hải đề xuất, cần xây dựng phát triển các mô hình đầu tư và canh tác quy mô lớn. Bởi sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác giới hạn. Mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại chưa phổ biến nên chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành cao… Muốn vậy, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn trong canh tác, nâng cao năng suất, có sự kết nối với thị trường tiêu thụ và giải quyết vấn đề về logistics.

Để giải quyết các bất cập của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC nhấn mạnh, phải lấy tiêu chuẩn của thị trường làm thước đo mới mở rộng được thị trường cho nông sản, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ông Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến nông nghiệp - nông thôn và phát triển thị trường nông sản theo như cam kết với Chính phủ. Dự kiến, ngày 25 - 26/6, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị nông nghiệp công nghệ cao và tích tụ ruộng đất.
Hiện nay, nông sản Việt Nam đang có mặt tại khoảng 180 nước trên thế giới, kể cả một số thị trường khó tính như Mỹ, Australia và liên tục xuất siêu. Nếu năm 2003 xuất khẩu rau quả mới đạt 105 triệu USD, thì đến năm 2016 đã đạt 2,5 tỷ USD, năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD và năm nay phấn đấu 3,5 tỷ USD. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017.