Phát triển thủy lợi đáp ứng nền nông nghiệp có tưới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Thực hiện Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, giai đoạn 2009 - 2016, Bộ NN&PTNT đã tập trung triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, đầu tư hiện đại hóa hệ thống thủy lợ, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn hồ đập, phát triển thủy lợi nhỏ ở miền núi và hải đảo, hạ tầng thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu nông lâm ngư nghiệp…
Toàn cảnh hội nghị
Kết quả cụ thể đạt được đến nay là việc Quốc hội thông qua Luật Thủy lợi (ngày 19/6/2017). Thông qua việc củng cố hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước, đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi đầu mối và những vùng miền khó khăn về nguồn nước, từ năm 2011 - 2016, năng lực tưới tăng thêm 151.000ha, năng lực tiêu tăng thêm 100.000ha, năng lực ngăn mặn tăng thêm 172.000ha. Tỷ lệ diện tích gieo trồng cây hàng năm được tưới ổn định chiếm gần 69%. Diện tích lúa được tưới chủ động đạt khoảng 62%. Trên 82% diện tích cây trồng hàng năm được tiêu ổn định và 70% diện tích lúa được tiêu nước chủ động…

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành thủy lợi Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Điển hình là biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến nguồn nước trên hệ thống các sông, hồ cạn kiệt; tác động của phát triển thượng nguồn (đặc biệt là hoạt động xây dựng các hồ chứa tên dòng chính, chuyển nước lưu vực, khai thác rừng…); quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ảnh hưởng tới diện tích rừng, giảm không gian thoát lũ, xói lở bờ sông, gia tăng xâm nhập mặn…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội thảo 
Định hướng phát triển thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 xác định: Phát triển thủy lợi cần đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững , đáp ứng yêu cầu của “nền nông nghiệp có tưới” theo hướng giá trị gia tăng. Hoạt động thủy lợi trên nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước, phục vụ đa mục tiêu. Chuyển một số nội dung của hoạt động thủy lợi sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự tham gia chủ động của các thành phần xã hội. Tiếp tục phát triển thủy lợi cho miền núi, vùng sâu vùng xa… Mục tiêu chung là phát triển thủy lợi bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới, tạo nguồn nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian tới, sẽ xây dựng và ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thủy lợi. Tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách về giá dịch vụ thủy lợi. Khuyến khích đầu tư công - tư, thủy lợi nội đồng gắn với củng cố tổ chức thủy nông cơ sở, thúc đẩy toàn xã hội tham gia hoạt động thủy lợi. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, nhất là các công trình đầu mối lớn, hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng. Hoàn thiện chương trình an toàn hồ chứa. Triển khai giải pháp chuyển nước bằng đường ống, kết nối hồ chứa, tưới tiết kiệm. Ưu tiên hạ tầng cấp thoát nước mặn phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi thông qua chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần, thúc đẩy đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý khai thác, song hành cùng việc khuyến khích mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ có thu…