Phát triển vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô: Trăn trở bài toán vốn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối những kết quả đạt được từ sau Kế hoạch số 166, TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020. Sau hai năm triển khai, hiệu quả thực thi chính sách đến nay theo ghi nhận là rất tích cực.

Không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn
Vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô gồm 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP thông qua các chính sách cụ thể, đặc biệt là sau khi Kế hoạch số 166 được triển khai rộng khắp, diện mạo vùng đồng bào dân tộc đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nơi đây nhìn chung vẫn còn chênh lệch khá xa so với các vùng miền khác trên địa bàn TP.
 Nghề làm thuốc Nam của bà con dân tộc Dao tại huyện Ba Vì. Ảnh: Phạm Hùng
Nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong đời sống đồng bào vùng dân tộc, TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 138. Nghị quyết số 18 của HĐND TP sau đó đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và phân bổ 1.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện 69 dự án theo Kế hoạch số 138 trong giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn TP đã bố trí là 750 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn của TP, các địa phương cũng chủ động ngân sách, đầu tư kinh phí trên 358 tỷ đồng để nâng cấp thiết chế hạ tầng cơ sở. Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành, sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đáng kể điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương vùng sâu, vùng xa của Thủ đô.

Đáng chú ý, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay TP Hà Nội đã không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 14 xã vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô, hiện có 10 xã thuộc khu vực I và 4 xã khu vực II. Điều này một lần nữa cụ thể hóa hiệu quả đầu tư, sự quan tâm đặc biệt của TP dành cho đồng bào vùng dân tộc trong suốt nhiều năm qua.

Nhu cầu đầu tư còn lớn

Năm 2018, TP Hà Nội tiếp tục bố trí 100 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần theo Kế hoạch số 138. Điều này cũng đồng nghĩa, trong hai năm 2019 và 2020, nguồn vốn đầu tư còn lại theo Nghị quyết số 18 của HĐND TP Hà Nội chỉ còn 150 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu về vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư mới hạn hẹp, nhiều dự án thuộc Kế hoạch số 166 sau quá trình triển khai bị đội vốn, khiến nhiều địa phương hết sức lúng túng trong khâu thanh quyết toán và trả nợ chủ đầu tư. Cụ thể, 20 dự án thuộc Kế hoạch số 166 tại huyện Ba Vì đã hoàn thành, nhưng hiện còn thiếu khoảng 28,2 tỷ đồng. Trong khi đó, huyện Mỹ Đức cũng bị đội vốn khoảng 23,1 tỷ đồng sau khi triển khai một loạt các dự án của Kế hoạch số 166.

Đánh giá quá trình thực hiện Kế hoạch số 138, Phó Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai một số dự án do các địa phương làm chủ đầu tư còn có công trình chưa bảo đảm chất lượng. Công tác giám sát cộng đồng có lúc, có nơi còn làm hình thức… Để bảo đảm mục tiêu phát triển theo Kế hoạch số 138, ông Hải kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, bố trí vốn thường xuyên cho các dự án đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu về kinh phí để triển khai các dự án đúng tiến độ. Cùng với nguồn lực từ TP, các huyện cũng cần cân đối ngân sách, đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm cho phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó, chung tay cùng TP nỗ lực cho mục tiêu thay đổi toàn diện vùng đồng bào dân tộc.