Phê bình cũng cần có văn hóa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện bé lớp 1 đứng ở cổng trường giữa trời nắng 40oC vì đến sớm ở trường Tiểu học Quang Trung (TP Hải Phòng) đến nay vẫn chưa dừng tranh luận đúng - sai. Chưa bàn đến tình tiết thực tế của vụ việc, cách người lớn tạo ra những hiệu ứng phê bình phản giáo dục chỉ vì sự nóng vội cũng rất đáng được lưu tâm.

 Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Quang Trung (Hải Phòng) bị phê bình và phải đứng ngoài cổng trường vì... đi học sớm. (Ảnh chụp màn hình của Oto+)

Phản cảm, thiếu tế nhị
Không chỉ có giáo viên trường Tiểu học Quang Trung (TP Hải Phòng) chọn cách phê bình học sinh trên nhóm zalo chung của lớp, rất nhiều trường hợp khác cũng chọn cách này. Phụ huynh Minh Anh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lớp con chị có nhóm zalo chung để phụ huynh và cô giáo trao đổi thông tin về học tập, nội quy của nhà trường. Vậy nhưng, ngoài thông tin trên, 8 giờ sáng hàng ngày, khi phụ huynh bắt đầu một ngày làm việc mới, cô giáo cho các bạn quên làm bài tập về nhà đứng lên bảng, chụp hình và gửi trong nhóm zalo của lớp. “Có những bạn mắc lỗi quên làm bài tập về nhà lần đầu cũng bị chụp hình. Trường đã có sổ liên lạc điện tử để trao đổi riêng với phụ huynh, song cô giáo lại chọn cách phê bình học sinh với hơn 60 phụ huynh khác. Dù có hình ảnh con mình hay không có thì tôi đều thấy một ngày làm việc nặng nề vì cách ứng xử thiếu tế nhị của cô giáo” - chị Minh Anh chia sẻ.
Phê bình bằng cách chụp hình gửi lên nhóm zalo để học sinh sợ hãi, tìm cách đối phó thì đó là sự thất bại trong phương pháp giáo dục của người giáo viên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Trở lại với trường hợp của bé lớp 1 ở trường tiểu học Quang Trung. Không rõ có hay không việc mẹ chở bé đến trường và phải chờ ở cổng trường giữa trời nắng, hay Sao Đỏ dẫn em vào trường và học sinh chọn cách ra ngoài đứng hoặc người mẹ chở con đến chụp hình rồi chở đi như video xuất hiện trên mạng gần đây. Nhưng việc phê bình học sinh đến sớm của cô giáo trên zalo là có thật. Chính hành động này tạo nên nỗi sợ cho học sinh. TS Lê Viết Chức - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Nhìn ảnh khép nép, sợ sệt của những đứa trẻ bị cô giáo chụp ảnh đăng trên nhóm zalo chung của lớp tôi thấy đau lòng. Đây là hành vi phản giáo dục. Với những đứa trẻ tuổi tiểu học, hiếu động nhưng nhạy cảm với cách ứng xử của người lớn, đòi hỏi giáo viên phải uốn nắn một cách khéo léo chứ không nên cứng nhắc”.
Không đồng tình với cách làm của giáo viên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giáo dục là khoa học, là nghệ thuật, đòi hỏi phẩm chất, đạo đức của những chủ thể liên quan. Trong đó, việc giáo viên và phụ huynh hành xử như thế nào rất quan trọng để hình thành tính cách, phẩm chất đạo đức của học sinh. Chính vì vậy, không chỉ có giáo viên sai lầm, mà cả việc phụ huynh vội vã đưa thông tin lên mạng xã hội, khi chưa trao đổi với cô giáo và nhà trường để bàn bạc, rút kinh nghiệm cũng là cách làm nóng vội.
Lắng nghe từ hai phía
Ngày nay, nhiều phụ huynh chứng kiến những cảnh không ưng mắt của con khi ở trường đều dùng rất các cách thức để bày tỏ, thậm chí mắng mỏ thầy cô. Tại một trường dân lập ở Mỹ Đình (Hà Nội), chỉ vì việc không đồng tình cho con học bổ sung kiến thức sau mùa dịch Covid-19 vào thứ Bảy hàng tuần, nhiều phụ huynh đã dùng những lời trách móc nặng nề như: Nhà trường tận thu, thầy cô không có lương tâm, vắt kiệt sức học sinh… Trong khi, sự việc đơn thuần chỉ cần một cuộc đối thoại giữa đại diện Ban phụ huynh với nhà trường để lấy ý kiến số đông cũng có thể giải quyết hợp tình, hợp lý.
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, thầy cô cũng là con người, có thể có cách làm đúng, cách làm sai. Phụ huynh cần có những góp ý, cùng phối hợp sửa chữa. Nếu việc làm sai chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì cần bao dung, thay vì mang ra mổ xẻ trên mạng xã hội. Chưa kể, bản chất của sự việc đôi khi không giống quan sát bên ngoài. Ví như sự việc tại trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy), vì hình ảnh một vài học sinh đứng nắng đợi bố mẹ, báo chí đã lên tiếng phê phán nhà trường khóa cửa lớp, cấm học sinh ở lại trường.
Trong khi đó, theo phản hồi của Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn Lê Thị Kim Ánh, từ trước đến nay, học sinh của trường được hướng dẫn đứng bên trong sân trường có mái che hoặc thư viện được bật điều hòa, chờ phụ huynh đón, không nhất thiết phải đứng đợi bên ngoài cổng trường. “Trước mỗi vấn đề cả giáo viên và phụ huynh cần lắng nghe bằng hai tai để có cách phê bình văn minh và hợp lý. Điều này chúng ta nhắc nhau hàng ngày, nhưng đôi khi vẫn có những người vì tức giận mà chưa thực hiện được” - PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần