Phe đối lập chỉ trích việc tòa án bác lệnh bắt “thái tử” Samsung

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đảng đối lập đã chỉ trích quyết định bác lệnh bắt Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung của Tòa án Trung tâm quận Seoul.

Liên quan đến những tình tiết mới trong vụ bê bối tham nhũng của bạn thân Tổng thống Hàn Quốc, mới đây, Tòa án Trung tâm quận Seoul đã bác lệnh bắt “thái tử” Samsung Lee Jae-yong. Trước đó, hôm 16/1 Nhóm công tố viên đặc biệt đã đề nghị Tòa án Trung tâm quận Seoul thông qua lệnh bắt giữ ông Lee, với tội hối lộ và khai man.

Phe đối lập không hài lòng với quyết định của Tòa án trong việc bác lệnh bắt "thái tử" Samsung.

Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích từ phía các nhà lập pháp phe đối lập. “Đây là một quyết định bất ngờ và đáng tiếc”, giới truyền thông dẫn lời ông Moon Jae-in - cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập. Đồng quan điểm với ông Moon, Thị trưởng Seoul Park Won-soon cũng đăng một bài viết lên trang cá nhân, với quan điểm không chấp nhận phán quyết trên của tòa án. “Xem xét về tác động của quyết định bắt giữ có tác động tới nền kinh tế quốc gia là rất quan trọng, song việc thiết lập công lý phải được đặt lên hàng đầu. Nhóm công tố viên đặc biệt cần quyết tâm trong việc nhổ tận gốc nạn tham nhũng và cải cách các chaebol bằng cách tiếp tục nộp đơn xin lệnh bắt lên tòa án”, ông Park viết.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, các nhà lập pháp phe đối lập bày tỏ quan ngại, quyết định trên của tòa án có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới tiền trình điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc. Bên cạnh đó, đại diện đảng Saenuri cầm quyền tuyên bố, họ tôn trọng quyết định của Tòa án Trung tâm quận Seoul, đồng thời yêu cầu Nhóm công tố viên đặc biệt nỗ lực điều tra về sự kết nối giữa các tập đoàn và chính phủ.

Theo đó, sau phiên điều trần với Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, Tòa án Trung tâm quận Seoul đã quyết định bác lệnh bắt do Nhóm công tố viên đặc biệt đề nghị. “Rất khó để tìm được lý do, sự cần thiết đối với việc bắt giữ ông Lee ở giai đoạn hiện nay”, đại diện Tòa án nói và cho rằng vẫn còn nhiều bằng chứng chưa cụ thể, gây nhiều tranh cãi.

“Thái tử” Samsung bị cáo buộc hối lộ 43 tỷ Won (3,6 triệu USD) cho bà Choi Soon-sil, bạn thân của tổng thống, để nhận ưu đãi thương mại được Quỹ Hưu trí Quốc gia (NPS) ủng hộ nhằm sáp nhập hai chi nhánh của Samsung. Ngoài ra, Samsung cũng bị cho là đã ký kết một hợp đồng trị giá 22 tỷ Won (tương đương 18,3 triệu USD) với một công ty ở Đức do bà Choi và con gái sở hữu, dưới danh nghĩa một thỏa thuận tư vấn nhằm trang trải cho khóa huấn luyện tập đua ngựa của con gái bà Choi.

Trước đó, ngày 12/1, ông Lee đã phải trả lời thẩm vấn suốt 22 giờ với tư cách là nghi phạm trong vụ bê bối. Ông Lee đã khai nhận ủng hộ tiền cho bà Choi theo yêu cầu của Tổng thống Park Geun-hye. Lời khai nhận này trái với những gì “thái tử” Samsung đã tuyên bố trong một cuộc điều trần tại Quốc hội hồi tháng trước. Trong đó ông nói rằng, Tổng thống Park Geun-hye chỉ nói về các vấn đề liên quan đến tập đoàn Samsung và kế hoạch đầu tư của họ trong một cuộc gặp riêng diễn ra năm 2015.

Một ủy ban của Quốc hội Hàn Quốc phụ trách điều tra vụ bê bối nói trên đã cáo buộc ông khai man trong cuộc điều trần. Theo luật hiện hành của Hàn Quốc, những người phạm tội khai man như vậy có thể bị phạt tới 10 năm tù.