Phê duyệt phương án sử dụng đất các doanh nghiệp lớn gặp nhiều khó khăn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ  đạo đổi mới và phát triển DN; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Báo cáo về tình hình thực hiện cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2016 - 2018 đã có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 168 DN đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 DN cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn và quyết định của Thủ tướng (đạt 28% kế hoạch). Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.
“Qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng là rất chậm”- Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, 3 năm đầu nhiệm kỳ, số lượng DNNN bị thoái vốn không nhiều, nhưng quy mô lớn. Số thu ngân sách từ thoái vốn và cổ phần hóa đạt 218.255 tỷ đồng gấp 2,5 lần 5 năm trước đây.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng công tác cổ phần hóa còn vấp phải một số vướng mắc về thể chế và cách thức thực hiện. Vướng mắc tập trung ở việc sắp xếp, phương án cổ phần hóa, phương án đất đai trước khi cổ phần hóa. Ví dụ việc cổ phần hóa các DN lớn như Agribank, VNPT, Vinafood 1… đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một số tập đoàn, tổng công ty có địa bàn hoạt động rộng, có thể vươn tới 63 tỉnh thành nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Chỉ cần một địa phương trong tổng số 63 tỉnh không phê duyệt phương án cổ phần hóa là dẫn tới ách tắc hết. Đặc biệt là khó khăn tại các TP lớn, công tác phê duyệt rất chậm.
Ngoài ra, xác định giá trị DN trước cổ phần hóa, trong đó xác định giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện tại, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để xác định những giá trị vô hình. Ông Huệ đánh giá đây là vấn đề then chốt và mong các đại biểu tham gia hội nghị quan tâm thảo luận.