Phê duyệt Quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội

Việt An - Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Xét báo cáo, đề nghị của Sở Công Thương và một số huyện, UBND Thành phố đã ban hành các quyết định về việc thành lập Cụm công nghiệp.

Quyết định số 2456/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Dương Liễu - giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, có định hướng các ngành nghề như: chế biến tinh bột sắn, chế biến nông sản, chế biến gỗ, các ngành tiêu thủ công nghiệp khác.. dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. 
 Ảnh minh họa
Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Thắng Lợi với quy mô 8,887 ha tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, các ngành nghề chủ yếu: mộc dân dụng, sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, các ngành tiểu thủ công nghiệp khác.. dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triến Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Tiền Phong - Giai đoạn 2 với quy mô khoảng 8,1 ha tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp đa ngành nghề, các ngành nghề chủ yếu: chăn ga gối đệm, mộc dân dụng, sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, các sản phẩm làng nghề...; dịch vụ hỗ trợ cụm công nghiệp (cửa hàng xăng dầu) và các ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2030 trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.

Quyết định số 2469/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về việc thành lập Cụm công nghiệp Hồng Hà với quy mô khoảng 6 ha tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ngành nghề cụ thể: Là cụm công nghiệp làng nghề, có định hướng các ngành nghề như: Sơ chế gỗ, mộc dân dụng, chế biến lương thực, thực phẩm và các ngành nghề sản suất kinh doanh khác phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; các ngành nghề dịch vụ hỗ trợ CCN (kể cả xăng dầu).

Về chủ trương, UBND Thành phố xác định tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp như sau: Ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, hiện đại; thân thiện môi trường; di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề tại khu dân cư ra khu vực sản xuất tập trung nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trên.

Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo định hướng: Công nghiệp xanh, sạch (tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn); ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Đảm bảo việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung áp dụng công nghệ xử lý môi trường hiện đại; xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thu gom nước mặt tách rời; bố trí địa điểm tập kết, thu gom chất thải: chất thải công nghiệp, rác thải. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (đường giao thông, kho bãi, bãi để xe, cửa hàng xăng dầu, trạm nạp điện...).
Tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm dịch vụ thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp. Đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định. Về CCN Hồng Hà: phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong xã Hồng Hà và khu vực lân cận nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.