“Phép màu” của ông Tuấn

Bài, ảnh: Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người bảo, tấm lòng của ông Lê Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Tiếp sức trẻ học hòa nhập (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) dành cho những đứa trẻ tự kỷ đúng là "phép màu".

Hơn chục năm về trước, ông Tuấn công tác tại Hội Người mù Việt Nam, tham gia vào một dự án hỗ trợ trẻ khuyết tật. Dự án kết thúc, ông nhận thấy có rất nhiều trẻ bị tự kỷ bẩm sinh không thể tiếp thu được những kiến thức theo phương pháp bình thường. Ngay cả người thân cũng gặp khó khăn khi giao tiếp với trẻ. Là người khuyết tật, ông Tuấn rất cảm thông với trẻ tự kỷ và muốn làm một điều gì đó cho các cháu. Qua tìm hiểu, ông thấy trên thế giới hiện có một số công trình nghiên cứu khẳng định: Nếu được can thiệp sớm trước 3 tuổi, những trẻ có nguy cơ tự kỷ có thể hồi phục như trẻ bình thường. Các nghiên cứu cũng chỉ ra một số trường hợp trẻ tự kỷ có thể học hòa nhập trong các trường phổ thông. Cá biệt, có những người tự kỷ đạt được nhiều thành công trong cuộc sống và tham gia tốt các hoạt động trong xã hội...

Thầy Lê Đình Tuấn đang uốn nắn một trẻ tự kỷ.

Sau nhiều ngày trăn trở, ông Tuấn bắt tay vào soạn giáo án với phương pháp tác động, đồng thời thuyết phục bố mẹ một trẻ tự kỷ tham gia vào việc thử nghiệm phương pháp giáo dục mới. Ông nhớ lại sự “khởi đầu nan” đó. Ban đầu, khi được đề nghị tham gia vào lớp học này, bố mẹ cháu H. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khá băn khoăn. Bởi trước đó, cháu đã được đưa đến một số trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ, song kết quả thu được rất khiêm tốn. Dù đã 8 tuổi, nhưng cháu chưa thể làm những việc đơn giản nhất của đứa trẻ bình thường 2 - 3 tuổi. Cháu không có nhận thức về chữ số, chữ viết, càng không thể đánh vần, làm tính như những bạn cùng lứa. Đưa con đến lớp, phụ huynh chỉ mong cháu có một chỗ chơi, hy vọng cháu có thể hòa nhập cùng các bạn rất mong manh. Thầy Tuấn khi đó một mặt tìm hiểu kỹ tâm sinh lý của cháu H., rồi thử áp dụng những phương pháp mà ông đọc từ tài liệu nước ngoài. Ông đề nghị bố mẹ cháu phải phối hợp thật tốt với ông để cùng uốn nắn cho cháu. Sau nhiều tháng dày công vừa dạy vừa tìm tòi nghiên cứu, thầy Tuấn đã giúp cháu H. có những thay đổi căn bản.

Ông Tuấn tâm sự, nếu theo chuẩn của nước ngoài, để giáo dục một đứa trẻ tự kỷ phải có sự tham gia của rất nhiều bác sĩ và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử như một êkíp phải có bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên gia tâm thần, chuyên gia về ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta hiện nay, sự quan tâm của xã hội cho trẻ tự kỷ còn nhiều hạn chế nên trung tâm của thầy Tuấn gần như phải tạo một lối đi riêng. Đó là việc nghiên cứu và xây dựng mô hình phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ chủ yếu dựa vào cộng đồng.

Trung tâm không chờ đợi sự đầy đủ các trang thiết bị, đầy đủ các chuyên gia trong mọi lĩnh vực, mà dựa vào phụ huynh của trẻ, các tình nguyện viên và có sự tham gia của một số chuyên gia như bác sĩ chuyên khoa thần kinh; bác sĩ nhi khoa; giáo viên đặc biệt. Sau những khóa học ở đây, trẻ sẽ được học hòa nhập ở trường phổ thông. Mô hình này cho đến nay đã đạt được những kết quả rất đáng mừng. Trung tâm đã giúp cho rất nhiều cháu bé có những tiến bộ trong cả về nhận thức xã hội cũng như kiến thức, quan trọng là trẻ cảm thấy vui học và thích đi học. Nhiều cháu đã xóa tan căn bệnh tự kỷ trầm trọng, trở về hòa nhập với gia đình, cộng đồng xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần