Phí cho bản quyền tin tức: Facebook, Google phải sòng phẳng với Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một nghịch lý mà ngành báo chí Việt Nam đang phải đối mặt từ nhiều năm nay khi các tòa soạn phải đầu tư rất nhiều công sức cũng như tài chính để sản xuất tin tức nhằm phục vụ độc giả nhưng những nội dung này lại được dẫn sang Facebook, Google hoàn toàn miễn phí. Đáng chú ý trên, hai nền tảng nước ngoài này còn kiếm được hàng trăm triệu USD vì "dùng chùa" thông tin của báo chí.

 Ảnh minh họa.
Facebook, Google đang bào mòn doanh thu của báo chí

Theo số liệu tại báo cáo "Vietnam Digital Marketing Trends 2021" vừa được Cộng đồng Digital Marketing Việt Nam công bố, thị trường quảng cáo trực tuyến trong nước đang có tốc độ tăng trưởng rất cao với 21,5%. Bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2020, tổng doanh thu của thị trường này đạt mức 820 triệu USD và năm 2021 dự kiến sẽ vươn tới con số hơn 955 triệu USD. Hiện Google và Facebook đang là hai nền tảng chiếm phần lớn "miếng bánh" này với quy mô ngày càng được mở rộng.

Khảo sát hành vi người dùng của Facebook và Google cho thấy tin tức, đặc biệt là nguồn tin từ các trang tin hoặc báo là một trong những phương thức phổ biến nhất giúp tăng thời gian sử dụng cùng lượt xem của người dùng. Thậm chí, rất nhiều người dùng đã coi đây là kênh đầu tiên hoặc duy nhất để tiếp cận các thông tin mà báo chí đem lại. Cũng chính những lý do này đã khiến đa phần các DN trên thế giới có xu hướng rót tiền quảng cáo vào mạng xã hội thay vì nơi sản xuất ra tin tức là các cơ quan báo chí.

Thật bất công khi các cơ quan báo chí đã phải đổ ra nhiều công sức cũng như chi phí để sản xuất tin tức cho độc giả nhưng chúng lại được trích dẫn lại trên Facebook và Google hoàn toàn miễn phí. Không những vậy, hành động vi phạm bản quyền trắng trợn nói trên còn mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho mạng xã hội. Điều này có thể thấy rõ qua việc, trong năm 2020, doanh thu của các cơ quan báo chí trong nước đã giảm mạnh, thậm chí có đơn vị còn mất tới 70% doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông. Trong khi đó, quy mô thị trường cũng như nguồn thu từ quảng cáo của Google và Facebook vẫn tăng đều đặn.

Nói về thực tế này, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm nhận định, quy mô vi phạm bản quyền báo chí tại Việt Nam trên nền tảng Facebook và Google đang ở mức báo động. Chính những vi phạm này đang từng ngày kéo giảm, bào mòn doanh thu, nguồn lực, tài sản trí tuệ của báo chí chính thống. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, riêng năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD phục vụ mục đích quảng cáo.

Cục trưởng Cục Báo chí cũng thừa nhận, thực trạng vi phạm bản quyền của Facebook và Google không chỉ khiến Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đau đầu. Để có lối ra, các cơ quan báo chí cần lên tiếng công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật của những nền tảng quảng cáo xuyên biên giới này. Bên cạnh đó, cần thành lập liên minh báo chí - trang tin điện tử uy tín - công ty công nghệ nhằm hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau trong việc dành lại thị phần quảng cáo trực tuyến.

Còn Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, hiện có khoảng 30% người dùng coi mạng xã hội là nguồn quan trọng để nắm bắt thông tin. Do đó, Google và Facebook rõ ràng sẽ được hưởng lợi nếu nội dung báo chí xuất hiện trên nền tảng của họ. Vì vậy, việc những hãng công nghệ này phải chia sẻ nguồn thu với báo chí là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến đang ngày càng thống trị mảng quảng cáo số.

Các cơ quan báo chí Việt Nam có thể tham khảo cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới và mới đây nhất là Australia về cách tiếp cận với những công ty công nghệ lớn. Việc thương lượng cần có quy mô tập thể và phải có sự hậu thuẫn từ phía cơ quan chức năng thì mới có thể có kết quả.

Nhìn từ cuộc chiến với Facebook của Australia

Có thể nói vụ việc đối đầu mới đây giữa Australia và Facebook xung quanh dự luật yêu cầu các hãng công nghệ lớn phải trả phí để sử dụng nội dung tin tức của truyền thông nội địa, đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Đây cũng là bài học mà nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Việt Nam có thể tham khảo nhằm bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan báo chí trong nước.

Sự việc này bắt nguồn từ một dự luật có tên Luật Đàm phán truyền thông được Chính phủ Australia đưa ra vào năm 2020 khi xuất hiện tình trạng các hãng tin của quốc gia này không thể đạt được thỏa thuận tự nguyện với các công ty công nghệ lớn trong khi đối mặt với khó khăn do Covid-19. Dự luật này yêu cầu Google và Facebook phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Chính phủ Australia sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí, khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lựa chọn.

Sau một thời gian đàm phán không có kết quả, tới ngày 18/2 vừa qua, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia cũng như hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức tại quốc gia này. Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau động thái trên, trong đó có các trang đưa thông tin về dịch Covid-19, cháy rừng hay lốc xoáy... Tuy nhiên, ngay sau đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đưa ra lập trường cứng rắn của quốc gia khi khẳng định: Hành động của Facebook là một sự ngạo mạn và đáng thất vọng.

Trước thái độ không khoan nhượng của phía Australia, ngày 20/2, Facebook đã buộc phải quay lại bàn đàm phán. Tới 23/2, sau khi đạt được thỏa thuận chung, Facebook đã khôi phục hoạt động của các trang tin tức Australia trên mạng xã hội này. Cụ thể, chính quyền Australia đồng ý sẽ tiến hành một số chỉnh sửa về luật để giải quyết những quan ngại của Facebook với quy định hãng phải trả tiền cho các hãng tin tức. Bên cạnh đó, Facebook sẽ tiến hành đàm phán cụ thể về mức phí phải trả đối với các hãng tin tức có nội dung xuất hiện trên nền tảng của mình.

Tới ngày 25/2, Chính phủ Australia đã chính thức thông qua Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sẽ có cơ quan riêng để quyết định mức giá các gã khổng lồ công nghệ phải trả nếu đàm phán thương mại với các hãng tin địa phương không thành công. Luật mới này sẽ đảm bảo rằng các DN truyền thông tin tức được trả thù lao công bằng cho nội dung mà họ tạo ra, giúp duy trì hoạt động báo chí.

Như vậy có thể thấy, tuy căng thẳng thực sự chỉ diễn ra trong khoảng một tuần nhưng tầm ảnh hưởng lại vô cùng lớn khi Chính phủ Australia đã giúp các cơ quan truyền thông tại quốc gia này được trả đúng với công sức lao động mà họ bỏ ra, đồng thời tạo một nguồn thu ổn định trong nhiều năm tới. Từ trường hợp này, Việt Nam có thể đặt ra lộ trình cụ thể nhằm đưa ra những đòi hỏi chính đáng về quyền lợi cho các cơ quan báo chí đang bị Facebook hay Google trục lợi miễn phí.

Các cơ quan báo chí cần coi vấn đề vi phạm bản quyền trên Google và Facebook là việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến đất nước không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chính trị, an ninh. Nhiều nước trên thế giới đã có giải pháp siết lại hoạt động của Facebook và Google, chúng ta cũng cần những giải pháp, phương án cụ thể hơn. Đây là vấn đề của ngành truyền thông toàn thế giới, không riêng của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo