Phí sử dụng lòng đường, hè phố trông giữ xe: Điều chỉnh để chống thất thoát ngân sách

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất điều chỉnh mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố của UBND TP Hà Nội được nhiều chuyên gia đánh giá, sẽ góp phần siết chặt quản lý, hạn chế UTGT, tăng thu cho ngân sách TP đặc biệt là đối với loại hình trông giữ xe tạm thời.

Hình thức thu còn bất cập

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố đối với dịch vụ trông giữ xe chưa thống nhất và còn nhiều bất cập. Cụ thể, đối với các điểm sử dụng lòng đường, hè phố trông giữ xe tạm thời, có nơi thu theo diện tích (m2/tháng), có nơi lại thu 6% trên tổng doanh thu. Đặc biệt, hình thức thu 6% trên tổng doanh thu hiện đã hình thành một kẽ hở, dẫn đến khả năng lớn thất thoát nguồn thu do quản lý yếu kém. Bên cạnh đó, mức thu này hiện được cho là không công bằng giữa các khu vực có mật độ phương tiện và nhu cầu đỗ gửi khác nhau. Chính mức phí sử dụng lòng đường hè phố còn thấp nên các cá nhân, tổ chức đua nhau làm dịch vụ trông giữ xe, bất chấp chất lượng và các quy định, gây UTGT.

Bãi trông giữ xe trên phố Hai Bà Trưng. Ảnh:  Hải Linh

Bên cạnh đó, mức thu phí hiện đang áp dụng đã có từ năm 2014. Đến nay, lương cơ sở đã tăng 2,41 lần, lương tối thiểu vùng tăng 4,69 lần, chỉ số giá tiêu dùng tăng 106%. Hơn nữa, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mức sống của người dân cũng đang được nâng cao, số lượng phương tiện cá nhân tăng vọt kéo theo nhu cầu ngày càng lớn về giao thông tĩnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thu được phí sử dụng, TP sẽ mất đi một khoản ngân sách bổ trợ dùng cho chính việc duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố, phục vụ chính nhu cầu của người dân.

Mặt khác, theo khảo sát của đơn vị tư vấn lập Đề án điều chỉnh mức phí, hiện giá thu thực tế của dịch vụ trông giữ xe tại nhiều nơi cũng đã cao hơn so với khung giá TP quy định. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng: “Đã đến lúc phải điều chỉnh phí sử dụng lòng đường, hè phố. TP đang thất thu một khoản không nhỏ từ loại hình này, trong khi nhiều cá nhân, tổ chức lại được hưởng lợi” - ông Nga nhấn mạnh.

3 mục tiêu chính

Được biết, Đề án “Sửa đổi bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội” nhắm đến 3 mục tiêu chính là: Hạn chế phương tiện cá nhân tại khu vực đô thị trung tâm, nhằm giảm UTGT; tăng thu ngân sách; khuyến khích các tổ chức, DN thực hiện các dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh của TP. Khi đưa vào áp dụng, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, quy định mới sẽ bãi bỏ mức thu 6% trên tổng doanh thu như hiện nay, tất cả các điểm trông giữ xe tạm thời trên lòng đường, hè phố sẽ phải nộp phí theo diện tích sử dụng.

"Đây sẽ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng thất thu ngân sách từ các dịch vụ sử dụng lòng đường, hè phố, đặc biệt là để trông giữ phương tiện, đảm bảo lợi ích cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Mặt khác, mức phí cao cho những khu vực được khai thác tạm thời làm dịch vụ, sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư hướng đến việc thực hiện các dự án phục vụ giao thông tĩnh được đầu tư bài bản, bền vững" - đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết.

Về việc đề án dành riêng cho loại hình trông giữ xe, qua thiết bị thông minh iParking, một mức nộp phí 30% trên tổng doanh thu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức lý giải: “iParking là một hệ thống hiện đại, đảm bảo minh bạch doanh thu nên khẳng định sẽ không có thất thoát, phù hợp để áp dụng mức nộp phí trên tổng doanh thu”.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về đề án nói trên, Ths Quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, thu phí sử dụng hè đường trong lõi đô thị cao sẽ khiến phí gửi xe tăng mạnh. Đó chính là một biện pháp kinh tế nhằm hạn chế tối đa việc lưu thông phương tiện cá nhân, góp phần giảm UTGT cho khu vực trung tâm TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần