Phi vụ giải cứu lô nhãn Việt đầu tiên tại Australia và các lưu ý cho doanh nghiệp

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Australia: "Đây có lẽ là ngoại lệ vì Cơ quan Kiểm dịch Australia cực kỳ nghiêm khắc".

 Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Australia
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, chiều 7/9/2019 vừa qua, lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào nước này đã bị Cơ quan Kiểm dịch Australia tại Melbourne dừng thông quan, do lỗi doanh nghiệp đóng gói không đúng quy định.
Nhận được tin báo của doanh nghiệp nhập khẩu, Thương vụ đã khẩn trương làm việc với Bộ Nông nghiệp Australia. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, lô hàng đã được thông quan. Theo đánh giá của Thương vụ: "Đây có lẽ là ngoại lệ vì Cơ quan Kiểm dịch Australia cực kỳ nghiêm khắc".
Qua sự việc trên, Bộ Nông nghiệp Australia một lần nữa đã gửi thư cho Thương vụ nhắc lại các điều kiện đóng gói bao bì. Theo đó:
Với thùng carton kín: Đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi;
Với thùng carton có lỗ thông hơi: Nếu thùng carton có lỗ thông hơi thì các lỗ này phải được che bằng lưới và kích thước không quá 1,6mm và độ dày của lưới không nhỏ hơn 0,16mm. Hoặc các lỗ thông hơi phải được dán lại.
Mục đích của các điều kiện này là để tránh hàng hóa bị nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm sau khi chiếu xạ.
Trước đó, ngày 6/9 lô hàng nhãn đầu tiên từ huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) đã được chuyển vào miền Nam để chiếu xạ rồi xuất sang Australia.
Theo bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam: Dù số lượng xuất khẩu ban đầu còn khiêm tốn, khoảng 1 tấn nhãn, nhưng việc này sẽ góp sức và khẳng định vị thế của trái nhãn khi chinh phục được các thị trường xuất khẩu, nhất là tại các thị trường khó tính như Australia nói riêng hay EU, Mỹ… Đồng thời, mang lại cho người nông dân trồng nhãn mức thu nhập tốt hơn.
Bên cạnh đó, với phương châm tôn trọng giá trị thật của nông sản, công ty không xử lý quả nhãn chín muộn của Hà Nội bằng lưu huỳnh mà để tự nhiên. Chấp nhận bỏ ra chi phí lớn hơn, Green Path sử dụng phương tiện vận chuyển là máy bay thay vì đường biển, bà Phùng Thị Thu Hương kỳ vọng nhãn muộn của Hà Nội sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng Australia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần