Phiên 16/3: SAB bất ngờ tăng mạnh, nhưng không thể cứu VN-Index mất điểm sâu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán vẫn không tránh khỏi phiên mất điểm sâu khi thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng khó kiểm soát. Nhà đầu tư vẫn có tư tưởng bán tháo, nhất là khi Fed thêm một lần bất ngờ hạ lãi suất đồng USD trong vòng chưa đầy 2 tuần trở lại đây.

Phiên sáng VN-Index rung lắc mạnh

Bước vào phiên giao dịch buổi sáng, thông tin dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến kém khả quan khi các vùng quốc gia, vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh gia tăng cả về số ca mắc và số ca tử vong.

Fed bất ngờ hạ lãi suất đồng USD xuống còn 0 – 0,25% khi chưa đến 2 tuần, và không vào cuộc họp thường kỳ, khiến giới đầu tư lo ngại về tình hình sức khoẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu trên thị trường Việt Nam được thực hiện ngay khi mở cửa tuần. Chỉ số VN-Index lao thẳng đứng xuống 732 điểm khi vừa mở cửa phiên được ít phút, mất 26 điểm.

Nhóm mất giá mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. Đi ngược là nhóm cổ phiếu xăng dầu, do giá xăng dầu trên địa bàn cả nước đã giảm mạnh vào cuối tuần trước. Cùng với đó là một số mã cổ phiếu thị trường.

Cụ thể, GAS tăng mạnh 3,9% lên 59.200 đồng/CP; PLX tăng mạnh 4% lên 37.600 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thị trường tăng mạnh có AAA, AMD, HAI, QCG, FIT, TSC, CLG… đứng phiên tăng lên giá trần. Trong đó, AMD vẫn duy trì trạng thái dư mua trần với hơn 11 triệu đơn vị; HAI khớp gần 6 triệu đơn vị cùng dư mua trần 2,13 triệu đơn vị. Những mã tăng mạnh còn có HQC tăng 3,5% lên 1.180 đồng/CP, khớp lệnh cao nhất sàn HOSE với 11,76 triệu đơn vị; FLC tăng 4% lên 3.640 đồng/CP; DLG tăng 4,2% lên 1.720 đồng/CP và khớp 5,38 triệu đơn vị…

Nhóm bluechip gây áp lực mạnh lên chỉ số, như: Nhóm ngân hàng không còn mã nào đứng sắc xanh. Trong đó giảm sâu có VCB giảm 1,5% xuống 69.900 đồng/CP; CTG giảm 2,5% xuống 21.400 đồng/CP; một số mã khác cũng giảm mạnh như: VHM giảm 3,5% xuống 69.500 đồng/CP; VRE giảm 3,5% xuống 23.350 đồng/CP; VNM giảm 1,5% xuống 97.600 đồng/CP; MSN giảm 3,1% xuống 48.300 đồng/CP … Đóng cửa phiên sáng có đến 25 mã trong nhóm VN30 mất giá.

Đóng cửa phiên sáng, sàn HOSE với 136 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index giảm 8,5 điểm tương đương giảm 1,12% xuống 753,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 153,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.088,38 tỷ đồng, giảm 26,71% về lượng và 36,98% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.

Phiên chiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục lùi sâu
 Nhóm cổ phiếu ngân hàng lùi sâu, khiến VN-Index giảm mạnh.
Bước vào phiêu giao dịch buổi chiều, thị trường chứng khoán tiếp tục chịu áp lực rung lắc do nhóm cổ phiếu ngân hàng ngày càng gia tăng mức giảm. Nhóm cổ phiếu xăng dầu vẫn hỗ trợ tích cực cùng với mã cổ phiếu SAB ngược chiều tăng tốt, nhưng chỉ số VN-Index vẫn không có cải thiện hơn phiên sáng.

Cụ thể, GAS nới biên độ tăng 4% lên 59.300 đồng/CP; PLX thu hẹp biên độ tăng còn tăng 1,8% lên 36.800 đồng/CP; HPG cũng thu hẹp biên độ tăng nhẹ gần 0,3% lên 19.100 đồng/CP; SAB đảo chiều thành công tăng mạnh 4,2% lên mức cao nhất ngày 150.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu gây áp lực mạnh nhất lên thị trường, như đã nói ở trên là cổ phiếu ngân hàng, với hầu hết các mã đều giảm sâu. Trong đó, VPB nới biên độ xuống giá sàn đứng 20.950 đồng/CP; VCB nới biên độ giảm 6,3% xuống 67.100 đồng/CP; TCB giảm 4,4% xuống 17.450 đồng/CP; BID giảm 6,3% xuống 32.800 đồng/CP; CTG giảm 6,6% xuống 20.500 đồng/CP; HDB giảm 5,7% xuống 21.700 đồng/CP, MBB giảm 3,8% xuống 16.450 đồng/CP…

Nhóm này có nhiều mã thanh khoản cao như: STB khớp trên 9,15 triệu đơn vị; CTG khớp 7,5 triệu đơn vị; VPB khớp trên 5 triệu đơn vị; MBB khớp 4,35 triệu đơn vị; TCB khớp 3,64 triệu đơn vị; HDB khớp 2,47 triệu đơn vị …

Một số mã bluechip khác giảm mạnh còn có: BVH giảm 4,8% xuống 38.500 đồng/CP; VNM giảm 2,1% xuống 97.000 đồng/CP; VRE giảm 2,1% xuống 23.700 đồng/CP; CTD giảm 5,66% xuống 51.600 đồng/CP; MWG giảm gần 4% xuống 76.000 đồng/CP; PNJ giảm sàn mất 6,9% xuống 57.300 đồng/CP; SBT cũng giảm sàn xuống 14.800 đồng/CP … Chốt phiên, nhóm VN30 có đến 4 mã tăng, 2 mã đứng giá và có đến 26 mã giảm, trong đó có 3 mã giảm sàn.

Ngược lại, nhóm thị trường vẫn ghi nhận những cổ phiếu đi ngược tăng lên giá trần như: HQC, TCH, HAI, FIT, AAA, QCG, TSC, JVC, AMD … Cùng những mã tăng mạnh có FLC, DLG, HSG, TIA, HSS …

Trong đó, HQC vẫn thanh khoản cao nhất sàn HOSE với 14,48 triệu đơn vị; FLC khớp 12,41 triệu đơn vị; DLG khớp 9,45 triệu đơn vị, TCH và HAI khớp 6,6 và 6,1 triệu đơn vị lần lượt; HSG và TIA khớp lần lượt 4,3 và 3,3 triệu đơn vị.

Chốt phiên cuối ngày, với 133 mã tăng và 239 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 13,92 điểm tương đương mất 1,83% xuống 747,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 292,25 triệu đơn vị, giá trị 4.573,71 tỷ đồng, giảm 17,6% về khối lượng và gần 26% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Sàn HNX, phiên sáng chỉ số HNX-Index cuối phiên còn có lúc tăng lên sắc xanh, cuối phiên giảm nhẹ. Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, áp lực bán tăng mạnh và nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là tác nhân khiến HNX-Index giảm sâu, đánh mất mốc 100 điểm.

Trong đó, ACB giảm sâu mất 5% xuống 20.900 đồng/CP, khớp 4,61 triệu đơn vị; NVB giảm 1,1% xuống 8.600 đồng/CP khớp 3,25 triệu đơn vị; mã SHB giằng co và đứng tại tham chiếu, khớp cao nhất sàn với 8,69 triệu đơn vị; giảm mạnh còn có PVS giảm 1,8% xuống 10.800 đồng/CP, khớp 3,36 triệu đơn vị; SHS cũng giảm trên 1% và khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu thị trường trên sàn này cũng đua nhau tăng lên sắc tím như: KLF, ART, DST, PVX, KVC, ACM, SPI… Trong đó, KLF và ART thanh khoản cao với 2,6 và 2,4 triệu đơn vị.

Chốt phiên, với 32 mã tăng và 38 mã giảm, HNX-Index giảm 1,76 điểm tương đương giảm 1,74%), xuống 99,62 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,69 triệu đơn vị, giá trị 421,29 tỷ đồng.

Trên UPCoM, diễn biến của chỉ số UpCoM-Index cũng giống HNX-Index. Phiên sáng chỉ số giảm điểm thấp, còn chiều lùi sâu do lực bán gia tăng. Đứng phiên, UpCoM-Index giảm 0,34 điểm tương đương giảm 0,67%, xuống 50,15 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,1 triệu đơn vị, giá trị 141,15 tỷ đồng.