Phiên 5/7: Dồn dập bán cổ phiếu, VN-Index mất mốc 900 điểm

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau phiên tăng nhẹ vào chiều qua và mở cửa sáng nay bằng sắc xanh, tưởng chừng thị trường chứng khoán trong nước hôm nay có phiên khởi sắc. Ngược lại phiên chiều các mã vốn hoá lớn lại lao dốc, VN-Index rung lắc mạnh và bất ngờ mất mốc 900 điểm.

Phiên sáng giằng co mạnh

Nhận tín hiệu đi lên trong phiên chiều qua, sáng nay chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc xanh, nhưng bị rơi mất 4 điểm ngay sau giờ mở cửa. Nhưng rất nhanh sau đó chỉ số này đã nhận được tín hiệu mua vào ở nhiều mã vốn hoá lớn như VHM, VIC, TCB, VJC bật tăng lên trên 921 điểm.

Tuy nhiên, chừng ấy chưa đủ bởi hầu hết các mã vốn hoá lớn khác vẫn bị giằng co, bật tăng rồi lại đảo chiều đi xuống, đến cuối phiên sáng nhiều mã không còn giữa được sắc xanh. Nhóm VN30 giữa phiên sáng còn một nửa đứng ở màu xanh, nhưng đến cuối phiên chỉ còn 5 mã, khiến cho VN-Index vẫn giảm điểm.

Những mã hỗ trợ thị trường phiên sáng nay là TCB có lúc tăng trần trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng của TCB theo tỷ lệ 1:2, đóng cửa tăng 6,9% lên 28.850 đồng, khớp lệnh hơn 800.000 đơn vị. Mã VHM không còn tăng trần như hôm qua, nhưng cuối phiên tăng 2,7% lên 113.800 đồng/CP. TPB có lúc lên gần 3%, cuối phiên còn tăng 1,6% lên 28.850 đồng/CP. DHG tăng 6,7% lên 106.600 đồng, khớp hơn 470.000 đơn vị. BVH tăng 1,1% lên 71.800 đồng/CP. Ngoài ra còn có PNJ tăng nhẹ.
 Các cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh khiến cho các chỉ số giảm sâu. 
Nhóm cổ phiếu làm thị trường mất điểm sáng nay vẫn tập trung vào ngân hàng, tài chính, dầu khí và một số mã khác. Cụ thể, VCB mất 1,6%. CTG mất 2,28%, khớp 1,2 triệu đơn vị. BID giảm 2,62%, khớp 900.000 đơn vị. SAB giảm 1,24%. HPG giảm 1,24%. MBB giảm 1,67%, khớp 1,1 triệu đơn vị. STB giảm 1% xuống 10.200 đồng/CP, khớp 1,6 triệu đơn vị. MWG giảm 2,7%. GAS giảm mạnh 3,14%. SSI cũng giảm mạnh 3,12%. CTD giảm 2,1% xuống 135.600 đồng/CP. NT2 giảm 2,1% xuống 29.650 đồng/CP.

Mã DXG có mức thanh khoản cao nhất sàn HOSE có hơn 3,58 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng lại giảm sàn mất 6,8% xuống 23.200 đồng/CP.

Kết thúc phiên sáng, với 98 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index giảm 2,39 điểm xuống 912,6 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 51,34 triệu đơn vị, giá trị 1.274,89 tỷ đồng, giảm hơn 28% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Dồn dập bán, VN-Index bất ngờ mất mốc 900 điểm

Sau cú rung lắc và giảm điểm vào cuối phiên sáng, ngay đầu phiên chiều chỉ số VN-Index đã bất ngờ lao dốc mạnh rơi xuống qua mốc 900 điểm xuống sát mức 890 điểm, mất gần 23 điểm chỉ sau 1 giờ mở cửa phiên chiều.

Chiều bán ra bị tung mạnh không chỉ còn tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn mà trải rộng ở các ngành, lĩnh vực, toàn sàn điện tử nhuốm đỏ.

Nhiều mã cổ phiếu vốn hoá lớn phiên sáng chỉ giảm từ 2-3% thì chiều đã giảm sàn, đè nặng tâm lý nhà đầu tư và là gánh nặng sụt giảm điểm của chỉ số. Cụ thể, GAS từ giảm 3% phiên sáng xuống sàn 6,9% đứng mức 74.000 đồng/CP. VCB sáng chỉ mất 1,6% chiều giảm sát mức sàn 6,5% về 52.000 đồng/CP. CTG cũng trong tình trạng trên giảm 6,4% về 20.500 đồng/CP, khớp đến 5,5 triệu đơn vị. BID và MBB phiên sáng chỉ giảm trên 1% nhưng phiên chiều cùng dắt nhau giảm 5,7%, trong đó BID đứng mức 21.600 đồng/CP, MBB đứng mức 22.500 đồng/CP, khớp 4,5 triệu đơn vị. Các mã ngân hàng còn lại là VPB, HDB, STB đều giảm trên 4%. Nhóm ngân hàng chỉ còn EIB đứng tham chiếu, TPB giảm nhẹ. Các mã TCB, VCB, VPB, HDB, BID khớp lệnh từ 1-3 triệu đơn vị.

Cùng với nhóm ngân hàng, nhiều mã khác cũng giảm mạnh, như: FLC giảm 2,1% về 4.560 đồng/CP, khớp 6,9 triệu đơn vị, cao nhất HOSE. DXG giảm 6,8% xuống 23.200 đồng/CP, khớp 6,7 triệu đơn vị, đứng sau FLC. Nhiều mã giảm sàn khác OGC, ATG, DXG, DWG, HCD, CVT, TDG, TCM, PDR, NKG... Các mã giảm sâu là HPG, HSG, SSI, MSN, FPT, BVH, PLX, SAB, VJC …

Đến cuối phiên một số mã nhận được dòng tiền bắt đáy đã hỗ trợ thị trường, giúp VN-Index đảo chiều, nhưng lực cầu yếu không thể đưa chỉ số này vượt lên tham chiếu.

Trong nhóm ngân hàng hỗ trợ thị trường chỉ còn duy nhất mã TCB mất mức tăng trần của phiên sáng, cuối phiên tăng 4,3% lên 28.150 đồng/CP, trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:2.

VIC tăng 1,4% lên 106.500 đồng/CP. VHM tăng khá tốt 2,9% lên 114.000 đồng/CP. Ngoài ra còn một số mã tăng khá REE, ROS, DHG, BMP...
Kết thúc phiên 5/7, với 71 mã tăng và 224 mã giảm, VN-Index giảm 15,59 điểm xuống 899,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 143 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị gần 3.671 tỷ đồng, tăng hơn 11,7% về khối lượng và 7,12% về giá trị so với phiên trước.
Sàn HNX không được như HOSE, ngay từ nửa đầu phiên sáng HNX-Index đã nằm tham chiếu và cuối phiên đi xuống mất gần 2 điểm. Sang đầu phiên chiều tiếp tục rơi điểm mạnh do nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm giá. Trong đó, nhóm ngân hàng và vốn hoá lớn vẫn là nguyên nhân chính làm sụt giảm điểm của chỉ số.

Cụ thể, VGC giảm sàn mất 9,8% xuống 18.500 đồng/CP, khớp 4,1 triệu đơn vị. ACB giảm 6,6% về 29.900 đồng/CP và khớp 4,9 triệu đơn vị. SHB giảm 4% về 7.100 đồng/CP, khớp cao nhất sàn HNX với 5,57 triệu đơn vị. Đây là 3 mã giảm sâu và khớp lệnh cao đã làm mất điểm mạnh của chỉ số HNX-Index.

Ngoài ra còn có một số mã giảm mạnh là: PVS giảm 4,4% về 15.200 đồng/CP. NTP giảm 2,4% về 41.000 đồng/CP. NVB giảm 2,8% về 7.000 đồng/CP ...

Kết thúc phiên với 107 mã tăng và 55 mã giảm, HNX-Index giảm 3,6 điểm xuống 96,39 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,50 triệu đơn vị, giá trị 403 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên trước.

Sàn UPCoM cũng có diễn biến giống HNX, sắc đỏ chiếm chủ đạo trên sàn và chỉ số UPCoM-Index đóng cửa mức gần thấp nhất ngày.

Kết thúc phiên, với 51 mã tăng và 71 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,76 điểm xuống 49,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 10,17 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 149 tỷ đồng, tăng 5% về khối lượng, nhưng giảm 11% về giá trị so với phiên hôm qua.
Phiên hôm nay, nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn. Khối lượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1,9 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị bán ròng 223,15 tỷ đồng. Phiên hôm qua khối ngoại cũng bán ròng hơn 11,77 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 502,87 tỷ đồng bị bán ròng.

Trong phiên hôm nay, hầu hết các mã giảm giá sâu đều được khớp lệnh với khối lượng lớn. Các mã tăng giá thì mức khớp không nhiều. Như vậy, nhà dầu tư vẫn đẩy mạnh bán cổ phiếu ở mức giá thấp, đây chính là nguyên nhân khiến cho chỉ số ngày càng bị sụt giảm. 
Theo một số chuyên gia, trong điều kiện nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, các DN hoạt động bình thường thì nhà đầu tư không nên cắt giảm lượng cổ phiếu nắm giữ ở mức giá thấp.