Phiên chợ Tết ở ngoại thành: Mang hàng Việt đến mọi nhà

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tổ chức điểm bán hàng tiêu dùng theo mô hình “Phiên chợ Tết” không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ DN quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng ở ngoại thành. Đây là chia sẻ của lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa khi nói về “Phiên chợ Tết” do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa tổ chức tại xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa).

 Người dân huyện Ứng Hòa mua hàng tại phiên chợ Tết do Hapro tổ chức ngày 7/2. Ảnh: Lê Nam
Phục vụ các mặt hàng thiết yếu
Đây là năm thứ 3, Hapro tổ chức “Phiên chợ Tết” tại huyện Ứng Hòa. Các DN đã mang đến nhiều sản phẩm truyền thống với chất lượng đảm bảo phục vụ Tết cổ truyền dân tộc như bánh chưng, giò, rượu vang Thăng Long, sản phẩm bánh mứt kẹo Tết của Công ty Thủy Tạ, Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị, Kinh Đô… Nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết, Hapro còn phục vụ Nhân dân địa phương các mặt hàng thiết yếu trong chương trình dự trữ, bình ổn giá của TP Hà Nội như gạo, dầu ăn, thực phẩm chế biến...

Phó Tổng giám đốc Hapro Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: Mặc dù phải tự chủ động nguồn vốn dự trữ hàng hóa nhưng Hapro đã mạnh dạn ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn hàng Việt Nam chất lượng cao phục vụ nhu cầu người dân với giá bán hợp lý. "Chúng tôi xác định việc đưa hàng về nông thôn không phải vì lợi nhuận mà vì trách nhiệm của DN thương mại Nhà nước đối với người tiêu dùng" - bà Thanh chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ thêm, đợt bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân ngoại thành, KCN, ngoài "Phiên chợ Tết” do Hapro tổ chức, sở và các DN sẽ tổ chức 10 phiên chợ Việt tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng. Đồng thời, triển khai 150 chuyến bán hàng lưu động.
Thông qua các hoạt động này, DN bán lẻ sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân ngoại thành. Để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu sản phẩm phục vụ Tết phải rõ nguồn gốc, đảm bảo ATTP, DN tham gia bình ổn giá như Hapro thì giá bán sản phẩm đều giảm từ 5 - 10% so với thị trường.
 Ảnh: Lê Nam
Người dân hào hứng mua hàng

Mặc dù thời gian phục vụ mua sắm của người dân tại "Phiên chợ Tết” kéo dài 5 ngày/phiên nhưng với những yếu tố như hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa đến mua sắm. Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Xuân Đoàn, thôn Xuân Tình, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa cho biết, các mặt hàng rất đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại hơn, từ bánh kẹo đến quần áo, thực phẩm.
“Chúng tôi rất tin tưởng vào chất lượng hàng hàng hóa bán tại “Phiên chợ Tết” bởi đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu mã đẹp, chủng loại cũng phong phú. Đặc biệt là giá cả ổn định, đáp ứng được nhu cầu và phù hợp túi tiền của người dân” - ông Đoàn phấn khởi nói.

Chị Vương Thu Hòa, thôn Chấn Kỳ, xã Trung Tú cho biết: Người dân hiện nay rất muốn dùng hàng đảm bảo chất lượng, vì trên thị trường đang có không ít các sản phẩm nhái, hàng giả. Với “Phiên chợ Tết”, bà con mua hàng yên tâm hơn, đồng thời cũng tạo ra được không khí mua sắm Tết như ở trung tâm Hà Nội. “Chúng tôi nếu muốn đi siêu thị Big C sắm Tết phải đi hơn 20 cây số, nhờ có chương trình này mà việc mua sắm hàng hóa Tết rất thuận tiện” - chị Hòa hồ hởi nói.

Việc tổ chức “Phiên chợ Việt” đã giúp người dân có cơ hội mua hàng Việt với giá hợp lý, chất lượng bảo đảm. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

“Phiên chợ Tết” không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Mậu Tuất, mà còn góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn, quảng bá hàng Việt Nam, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn