Phiên họp đầu tiên Ủy ban hỗn hợp về FTA giữa Việt Nam và EAEU

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Sau 7 tháng FTA đi vào hoạt động, Ủy ban hỗn hợp tiến hành phiên họp đầu tiên nhằm thảo luận ảnh hưởng của Thỏa thuận về FTA đến tình hình phát triển thương mại song phương, bàn bạc các vấn đề triển khai và phát triển tiếp theo hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ngày 29/6, tại trụ sở Ủy ban Kinh tế Á-Âu đã diễn ra phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng phụ trách Thương mại Ủy ban Kinh tế Á- Âu Veronika Nikishina.
Tham dự trực tuyến phiên họp còn có các đại diện từ Belarus, Armenia, Kyrgystan, Kazakhstan.
 Dây chuyền chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, sau 7 tháng FTA đi vào hoạt động, Ủy ban hỗn hợp tiến hành phiên họp đầu tiên nhằm thảo luận ảnh hưởng của Thỏa thuận về FTA đến tình hình phát triển thương mại song phương, bàn bạc các vấn đề triển khai và phát triển tiếp theo hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Phát biểu trước báo giới sau khi ký Bản ghi nhớ của phiên họp thứ nhất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá kết quả buổi làm việc đầu tiên hết sức tốt đẹp và hiệu quả.
Việc triển khai hiệp định được thực thi nhanh chóng và đúng với tinh thần của hiệp định, mang lại hiệu quả cho các quốc gia ký kết FTA cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia đó.
Tại phiên họp lần này, hai bên đã đề cập thẳng thẳn và thực tiễn, bám sát những diễn biến trong thời gian vừa qua liên quan đến Hiệp định FTA khi triển khai trên thực tế.
Hai bên nhất trí về những hiệu quả tích cực trong thời gian vừa qua từ sau khi Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, mang lại tốc độ tăng trưởng rất đáng kể trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia trong Liên minh Thuế quan.
Các thành viên tham gia phiên họp cũng rà soát, đánh giá lại các biện pháp cần thiết, trong đó có biện pháp tổ chức tuyên truyền kịp thời, đầy đủ hơn nữa các cam kết hội nhập của các quốc gia trong FTA này tới cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra các hướng dẫn, bổ sung thông tin, cũng như các biện pháp hỗ trợ của mỗi quốc gia cho cộng đồng doanh nghiệp.
Một nội dung quan trọng nữa là các quốc gia cũng xem xét về trách nhiệm và biện pháp của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực (Các biện pháp kiểm dịch động thực vật SPS, chứng nhận xuất xứ v.v) để tổ chức hài hòa và đồng bộ toàn diện các biện pháp tổ chức thực thi Hiệp định thương mại tự do.
Các thành viên tham dự phiên họp đã thống nhất về cơ bản về các biện pháp, nội dung và kế hoạch cụ thể cho thời gian tới, khẳng định tin tưởng vào hiệu quả của thỏa thuận.
Về phần mình, Bộ trưởng V. Nikishina ghi nhận hiệu quả ban đầu rất khả quan từ hiệp định đến kinh doanh, trong 7 tháng có hiệu lực, kim ngạch song phương đã tăng khoảng 30%, và quan trọng hơn cả là hiệp định tạo ra tăng trưởng đều cho cả hai phía.
Đặc biệt hơn nữa, tăng trưởng từ hiệu quả của hiệp định được ghi nhận không chỉ ở các mặt hàng được giảm thuế xuất nhập khẩu, mà cả các mặt hàng khác.
Bà Nikishina cũng cho biết ủy ban tập trung thảo luận về chức năng và hoạt động của các cơ quan hỗ trợ nhà nước, làm sao cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa các lợi ích từ hiệp định.
Về các vấn đề chưa được nhất trí, hai bên đề xuất thành lập các cơ quan giám định để đưa ra các tư vấn cho ủy ban, ví dụ như trong vấn đề tác hại đến sức khỏe của vật liệu xây dựng, hay tiêu chuẩn an toàn động thực vật.
Trong thời gian tới đây, hai bên sẽ tích cực và tập trung nỗ lực cho công tác hiện đại hóa hoạt động, cụ thể là thành lập hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử, số hóa các tiêu chuẩn.
Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Ngoài Ủy ban hỗn hợp, hai bên còn thành lập Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi hiệp định./.