Phiên họp thứ hai đàm phán tăng lương tối thiểu vùng 2019: Gay cấn cách tính tỷ lệ lương thực thực phẩm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn) vẫn giữ nguyên mức đề xuất 8%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chưa có đề xuất gì. Nhưng điều gay cấn nhất trong phiên họp này chính là sự chưa thống nhất trong cách tính tỉ lệ lương thực thực phẩm trong mức sống chung.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng nay 26/7, ông Ngọ Duy Hiểu – Trưởng ban Quan hệ lao động – Tổng liên đoàn cho biết: Trong 2 vấn đề Tổng liên đoàn đang hết sức quan tâm là rổ hàng hóa đảm bảo cho đời sống tối thiểu của người lao động. Có một vấn đề bất cập là trước đây rổ hàng hóa được tính là 724.000, thì năm nay xác định là 660.000 đồng, trong khi giá cả đều tăng.
 Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.
Thứ hai, tỷ lệ lương thực thực phẩm trong mức sống chung của người lao động, hiện nay Tổng liên đoàn đang đề nghị mức tỷ lệ lương thực thực phẩm là 45%; phi lương thực thực phẩm là 55% “Do đặc thù về lứa tuổi, hầu hết người lao động đang là thanh niên đang sống tại đô thị nên tỷ lệ lương thực thực phẩm thấp, còn tỷ lệ phi lương thực thực phẩm cao vì họ có nhu cầu vui chơi, giải trí… Hiện Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đang đề xuất tỷ lệ phần trăm lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm lần lượt là 48% - 52%.
Về nội dung này, ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam cũng cho biết: Hiện nay đang gay cấn bàn xác định về tỷ lệ lương thực thực phẩm sẽ được chi dùng cho người lao động. Một bên (VCCI) tính tỷ lệ lương thực thực phẩm là 54% và phi lương thực thực phẩm là 46%. Tổng liên đoàn tính 45% – 55% thể hiện xu hướng phát triển của nền kinh tế và mức văn minh của con người trong tiêu dùng.
Ông Ngọ Duy Hiểu thông tin thêm: “Bên cạnh việc giữ mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%, chúng tôi đã nêu rất rõ kinh tế tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt tỷ lệ 7,8%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Chỉ số CPI hiện nay đang phấn đấu kìm chế ở mức 4%. Theo đánh giá của Chính phủ, xu thế kinh doanh DN đều đang tốt hơn để hiện ở con số 64.000 DN được thành lập mới, nhiều dự án lao động mới. Rõ ràng, lao động ngày càng khan hiếm hơn và đương nhiên DN khó tuyển lao động”.
Ông Ngọ nêu quan điểm, định hướng hiện nay của chúng ta là xây dựng thị trường lao động Việt Nam theo hướng giảm bớt tình trạng, xu hướng thâm hụt lao động. Khi DN phát triển thì người lao động được hưởng; và hướng đến mục tiêu đạt được 100% mức sống tối thiểu năm 2020. “Hiện nay, chúng tôi đang làm rõ các số liệu và những thông tin cần thiết, làm căn cứ để các bên tiếp tục đàm phán và bỏ phiếu” – ông Ngọ nêu rõ.
Trả lời câu hỏi của báo chí về mức đề xuất tăng lương của VCCI đưa ra trong phiên họp này, ông Ngọ phản hồi: Hiện tại VCCI chưa có quan điểm về mức thay đổi phần trăm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Phía VCCI vẫn đang đề xuất cần nghiên cứu tăng thế nào, tác động của việc tăng ra sao. Vì thế, các bên sẽ tiếp tục bàn thảo.
“Tổng liên đoàn vẫn giữ nguyên mức tăng 8%. Chúng tôi cho rằng đây là mức cần thiết để đảm bảo đời sống người lao động. Mặt bằng chung, lương cán bộ công chức đã tăng khoảng 7%. Rõ ràng đây là khu vực rất dễ bị tổn thương, khi xác định mức tăng của họ vẫn phải căn cứ vào mức lương chung trên thị trường”- ông Hiểu nhấn mạnh.