Công tác chống ngập, hoạt động cho vay nặng lãi làm nóng nghị trường HĐND TP Hồ Chí Minh

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/12, ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp 12, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, các đại biểu đã có phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội của TP.

Một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là tình hình hoạt động của các băng nhóm cho vay nặng lãi có tính chất xã hội đen; công tác chống ngập và trợ giá xe buýt.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP. Ảnh: SGGP
Gần 900 đối tượng cho vay nặng lãi đang hoạt động trên địa bàn
Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu về tình trạng đáng báo động của hoạt động cho vay nặng lại đang nở rộ trên địa bàn TP, gây bất an, ảnh hưởng đến tình hình trị an…, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP đã có một số thông tin trao đổi với các đại biểu.
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, hoạt động tín dụng trái phép đã xuất hiện từ năm 2014, tại thời điểm đó, Công an TP đã phát hiện có tình trạng một số người ở các tỉnh, thành khác vào TP Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động tín dụng trái phép. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn có 873 đối tượng có hoạt động cho vay vi phạm về lãi suất. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Công an TP đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 30 nhóm cho vay với hơn 350 đối tượng.
Tuy nhiên, hầu hết có thể xử lý bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức là các vi phạm về gây mất an ninh trật tự. Về phương thức hoạt động của các băng nhóm cho vay nặng lãi đó là khi có tranh chấp giữa con nợ và chủ nợ, sẽ có tình trạng bị chọi đá, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà thân nhân của các con nợ… gây khó chịu, uy hiếp tinh thần…
Cũng theo Thiếu tướng Phan Anh Minh mới chỉ khởi tố được một số vụ. "Chẳng hạn, Công an TP và quận Bình Tân đang củng cố hồ sơ 4 nhóm cho vay lãi nặng. Cũng trong năm 2018 có ít nhất 3 vụ giết người mà nguyên nhân là do hoạt động tín dụng trái phép gây ra" - Thiếu tướng Phan Anh Minh nói.
Về giải pháp trong thời gian tới, Thiếu Phan Anh Minh cho rằng cần sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng tăng nặng để điều chỉnh hành vi cho vay lãi suất cao.
Trợ giá xe buýt của TP là thấp nhất
Một số đại biểu đã đề nghị TP đánh giá toàn diện việc trợ giá xe buýt. Mỗi năm TP dành khoảng 1.000 tỷ đồng để trợ giá xe buýt nhưng hiệu quả không rõ ràng, khối lượng vận tải hành khách sụt giảm… Trước các ý kiến này, Đại diện Sở GTVT cho biết, thời gian đầu tỉ lệ trợ giá vé xe buýt là 70% (người sử dụng phương tiện chỉ trả 30%, ngân sách trả 70%) nhưng từ 3 năm trở lại đây (2016) tỉ lệ trợ giá vè xe buýt chỉ còn khoảng 40%. Mức trợ giá 40% theo ghi nhận là thấp nhất so với các địa phương lân cận. Theo đánh giá của Sở GTVT, chất lượng dịch vụ và số lượng hành khách tăng.
Trên địa bàn TP hiện có khoảng 16.000 chuyến xe buýt/ngày (16 triệu chuyến/năm) phục vụ người dân. Có khoảng 5.000 lái xe và nhân viên đang làm việc trong trong hệ thống xe buýt.
Do thiếu vốn, đến nay các công trình chống ngập trên địa bàn TP gần như vẫn còn nằm trên giấy, dẫn đến tình trạng mưa lớn là ngập.
Rối bời với công tác chống ngập
Theo đánh giá của Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm: Ngập nước làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm… vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi vấn đề chống ngập trở thành một chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Một số đại biểu cho rằng tình trạng ngập nước do mưa vẫn chưa được cải thiện, cứ mưa lớn là ngập, trong khi đó các công trình, dự án chống ngập thì bị kéo dài. Đại biểu Cao Thanh Bình - Phó trưởng Ban KTNS HĐND TP đặt vấn đề, công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng, hiện đã tạm thời dừng thi công, vậy thời gian tới ra sao?...
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, công trình chống ngập hiện nay đang bị dừng do chậm giải ngân. Ngoài ra, cho đến thời điểm này, tranh cãi giữa tư vấn giám sát hợp đồng và nhà đầu tư chưa được giải quyết. TP đã báo cáo với Thường trực Thành ủy. TP quyết tâm tái khởi động dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng chia sẻ, công tác chống ngập là rất khó khăn, bởi tốc độ đô thị hóa của TP là rất nhanh, trong khi nguồn lực của TP dành cho công tác đầu tư hệ thống thoát nước lại thiếu… Để đảm bảo về nhu cầu thoát nước thì cần 6.000km hệ thống thoát nước nhưng hiện nay theo thống kê, TP chỉ đạt khoảng 4.200km, thiếu 1.800km. Thậm chí những khu vực đô thị đang phát triển nhanh như khu Đông tình trạng thiếu hệ thống thoát nước đáng báo động, 40% các tuyến đường trên đia bàn quận 2 không có hệ thống thoát nước và tỷ lệ này ở quận 9 là 60%. Tốc độ đô thị hóa, tốc độ xây dựng nhà ở tại các địa phương này diễn ra rất nhanh, hai bên đường gần như trở thành đê chắn, khi nước mưa đổ xuống phần lớn chảy trên mặt đường, dẫn đến ngập…
Nói về những khó khăn trong việc đầu tư cho các công trình chống ngập, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, dù năm 2008, TP được Chính phủ quan tâm nhưng TP chỉ mới đầu tư được 1 trong 13 cống kiểm soát triều nằm trong quy hoạch, đó là Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Riêng các tuyến đê để kết nối với hệ thống gần như chỉ nằm trên giấy…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần