Philippines nói về "chủ quyền trong tưởng tượng" của Trung Quốc ở Biển Đông

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cái gọi là quyền lịch sử đối với khu vực được bao quanh bởi đường 9 đoạn của Trung Quốc không tồn tại, ngoại trừ trong tưởng tượng của họ", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố hôm 23/8.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana (đeo kính) cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Trả lời báo giới vào cuối ngày Chủ nhật, Bộ trưởng Delfin Lorenzana cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng trái phép lãnh thổ trên biển của Philippines, khi chủ quyền hầu hết Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố đều là bịa đặt.
"Cái gọi là quyền lịch sử đối với khu vực được bao quanh bởi đường 9 đoạn của Trung Quốc không tồn tại, ngoại trừ trong tưởng tượng của họ", ông Lorenzana nói, đồng thời nhấn mạnh khu vực "đường lưỡi bò" đang đè lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Từ đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích: "Họ (Trung Quốc) là những người đã và đang thực hiện các hành động khiêu khích bằng cách chiếm đóng trái phép một số địa điểm trong EEZ của chúng tôi. Do đó họ không có quyền tuyên bố rằng họ đang thực thi luật pháp của mình".
Các tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh về bãi cạn Scarborough - từ lâu đã trở thành tâm điểm giữa 2 nước - có dấu hiệu gia tăng. Bộ ngoại giao Philippines hồi tuần trước đã đệ trình một công hàm phản đối việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc "tịch thu bất hợp pháp" các thiết bị đánh bắt gần Scarborough.
Trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông là "không thể chê trách", đồng thời cáo buộc các cuộc tuần tra trên không của Philippines là vi phạm chủ quyền của nước này.
Thực tế, bãi cạn Scarborough, một trong những ngư trường giàu có nhất trong khu vực, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 230km và cách vùng đất liền lớn nhất của Trung Quốc, tỉnh Hải Nam, đến 874km.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, thường viện dẫn cái gọi là "đường 9 đoạn" của mình để biện minh cho "các quyền lịch sử" đối với tuyến đường thủy trọng yếu, bất chấp phán quyết năm 2016 của PCA rằng các tuyên bố đó là không có cơ sở pháp lý.
Đáng nói, trái với tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như hạ thấp vấn đề xảy ra, trong bối cảnh quốc gia đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá muốn tìm cách bảo đảm vaccine từ Trung Quốc.
"Các nhà ngoại giao của chúng tôi thường xuyên phản đối các sự kiện như vậy nếu tin rằng các quyền chủ quyền của chúng tôi bị vi phạm”, phát ngôn viên Harry Roque nói hôm 21/8, "nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp nói chung giữa đất nước chúng tôi và Trung Quốc".
Quan hệ Manila - Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể dưới thời Tổng thống Duterte - người sau khi đắc cử vào năm 2016 đã chủ yếu gạt các tranh chấp hàng hải sang một bên để thu hút viện trợ, thương mại và đầu tư của Trung Quốc.
SCMP dẫn lời một phát ngôn viên của ông Duterte thời điểm 2016 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã nói với người đồng cấp Philippines tại Bắc Kinh rằng vị trí của nước này trên biển "không phải là vấn đề cần đàm phán".