Philippines sẽ không “bỏ rơi” vấn đề Biển Đông

Lan Hương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2016 là năm được cho là có nhiều biến động khó lường ở Biển Đông, khu vực tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa một số quốc gia ở châu Á trong nhiều năm qua.

Trong đó, việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) hôm 12/7 ra phán quyết liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về những đòi hỏi liên quan đến chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông là một trong những sự kiện nổi bật nhất năm.
Năm 2017, các chuyên gia nhận định, vấn đề Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 và Philippines trở thành Chủ tịch luân phiên ASEAN.
 Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc có khả năng đưa vũ khí chống máy bay ra Biển Đông.
Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao về tình hình Biển Đông trong năm tới và vai trò của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Ông có đánh giá như thế nào về tình hình Biển Đông trong năm qua, nhất là sau khi Tòa PCA ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông?
Tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa PCA đã phát triển theo hướng ổn định, giảm căng thẳng. Nửa đầu 2016 tình hình trên thực địa rất “căng”. Trước khi có phán quyết, nhiều chuyên gia lo ngại, Trung Quốc sẵn sàng đáp trả Philippines nhưng sau Hội nghị các nền kinh tế lớn (G20) tại Hàng Châu, Trung Quốc, tình hình lại không căng thẳng như dự đoáo.
Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao  
Điều này là do Philippines - quốc gia khởi xướng vụ kiện đã có một số điều chỉnh về mặt chính sách trong vấn đề Biển Đông, dẫn đến tình hình có xu hướng dịu đi. Tuy nhiên, những gì Trung Quốc đang triển khai trên thực địa thời gian gần đây cho thấy, Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi quân sự hóa, củng cố sự hiện diện tại Biển Đông, mặc dù có giảm “tông” trong các phát biểu mang tính đối ngoại.
Vậy ông có dự đoán gì về tình hình Biển Đông trong năm 2017?
Theo tôi, 2017 sẽ là một năm biến động và khó lường mà nhiều nhà hoạch định chính sách thế giới và khu vực vẫn chưa đo được. Ví dụ như, dưới chính quyền của ông Donald Trump, liệu Mỹ sẽ đi đến đâu trong vấn đề Biển Đông hoặc trong quan hệ với ASEAN, liệu có duy trì cam kết mạnh mẽ như dưới thời Tổng thống Obama hay không. Bên cạnh đó, lãnh đạo Philippines - nước chủ nhà ASEAN năm tới cũng đã có những điều chỉnh về mặt chính sách so với thời ông Aquino.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy, một số xu hướng đã dần bộc lộ. Vừa qua, Philippines tuyên bố sẽ phát huy vai trò trong việc tạo ra các thay đổi tích cực nhằm hướng tới 6 mục tiêu: xây dựng ASEAN lấy con người làm trung tâm và hướng tới con người; xây dựng hòa bình ổn định ở khu vực; hợp tác về an ninh biển; tăng trưởng sáng tạo và bao trùm; xây dựng một ASEAN tự lực tự cường và là hình mẫu trong chủ nghĩa khu vực, một nhân tố trong bàn cờ chiến lược toàn cầu. Trong số các mục tiêu này, đáng chú ý là yếu tố hòa bình ổn định khu vực và tác và an ninh biển được ưu tiên rất cao. Điều này cho thấy, Philippines sẽ không “bỏ rơi” vấn đề Biển Đông.
Năm 2016, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn tất bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Vậy ông dự báo như thế nào về việc xây dựng COC trong năm tới?
Vừa qua, lãnh đạo Bắc Kinh đã cam kết rất rõ ràng là sẽ đẩy mạnh COC. Cuối năm tới, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19 nên nhiều khả năng, họ sẽ tránh các động thái gây ra ồn ào, ầm ĩ dẫn đến bị chỉ trích trên thực địa. Điều này có nghĩa là, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động trên thực địa một cách âm thầm trong khi đẩy mạnh hoàn tất COC. Trong năm tới, việc xây dựng COC sẽ là trọng tâm. Vấn đề là chúng ta phải nỗ lực để bộ quy tắc này thực sự là công cụ của ASEAN và có tác dụng cho các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh cục diện quốc tế khó lường vào năm tới, theo ông, Việt Nam nên phát huy vai trò như thế nào trong khu vực?
Trong khu vực, Việt Nam có vai trò đóng góp ngày càng tăng. Năm 2016 đã thể hiện vai trò tích cực, thiết thực của Việt Nam không chỉ trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam là chất keo gắn kết ASEAN với các nước như Nga, điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ và quan hệ ASEAN - châu Âu. Chúng ta cũng hoạt động rất mạnh trong công tác đối ngoại quốc phòng...
Trong lĩnh vực kinh tế, năm tới Việt Nam sẽ chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Điều này sẽ thúc đẩy thương mại tự do và góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy liên kết thương mại ở khu vực. Thông điệp xuyên suốt cho APEC 2017 là tạo động lực mới cho phát triển của Việt Nam rất phù hợp với hội nghị G20 năm tới được tổ chức tại Đức. Tới đây, Việt Nam sẽ được mời tham dự với tư cach chủ nhà APEC tham dự G20, kết nối với 20 nền kinh tế lớn trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần