Phim tài liệu Việt có thể ra rạp?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

“Kênh phát hành duy nhất của Hãng phim Tài liệu & Khoa học T.Ư là truyền hình, nhưng nay chúng tôi mong muốn tìm thêm một con đường phát hành mới là hướng các bộ phim ra rạp” – đạo diễn Trịnh Quang Tùng – Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu & Khoa học T.Ư cho biết.

 Sau một tuần “Chuyện ngày hôm qua” trình chiếu tại 2 hệ thống màn ảnh rộng, có những lúc “cháy” vé, thì rõ ràng phim tài liệu Việt vẫn hy vọng có khán giả ở rạp.
Cách kể chuyện hay về Bức Tường
“Chuyện ngày hôm qua” được truyền thông và khán giả ủng hộ không chỉ vì tình cảm của mọi người dành cho ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập hay ban nhạc Bức Tường mà còn là cách thể hiện mới mẻ của bộ phim tài liệu Việt Nam. Bộ phim qua thời lượng gần 80 phút là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Đặng Linh và đồng vai trò là đạo diễn Hồng Thăng. Bộ phim như cỗ máy thời gian đưa người xem về với Bức Tường của những ngày đầu đam mê, dung dị, nhiều lửa, nhưng cũng đầy thiếu thốn.

Hình ảnh Trần Lập trong phim tài liệu ''Chuyện ngày hôm qua''.

Tư liệu về ban nhạc Bức Tường không thiếu trên mạng internet hoặc ở hệ thống lưu trữ thông tin báo chí. Bởi vì, với sự nổi tiếng của một ban nhạc được cho là hình thành con đường rock Việt suốt hơn 20 năm đủ để khán giả có nhiều thông tin về đời tư cũng như sự nghiệp của các thành viên. Thế nhưng, “Chuyện ngày hôm qua” không chọn cách làm phim tài liệu theo lối thông thường, viết kịch bản và có lời bình mà hoàn toàn theo trí nhớ, lời kể của các thành viên trong ban nhạc cũng như qua lời kể của nhạc sĩ Thanh Phương, MC Lại Văn Sâm. “Chúng tôi được phỏng vấn độc lập nên không biết ai nói gì, đến khi dựng phim lại thấy sự tương đồng kỳ lạ” – cựu thành viên ban nhạc, nhạc sĩ Tuấn Hùng chia sẻ. Có rất nhiều chi tiết mang tính đời thường được kể trong bộ phim, từ Vũ Văn Hà “tố” Hùng bảo thủ; hay Tuấn Hùng với Trần Lập như đôi “vợ chồng già” cãi nhau nhiều nhưng không thể xa nhau… Điều thú vị của bộ phim nằm ở chỗ không lấy nước mắt khán giả về cuộc đời và số phận của Trần Lập. Người ca sĩ, nhạc sĩ chính của ban nhạc luôn được kể với góc độ là linh hồn, là thủ lĩnh của Bức Tường, nhưng góc độ ấy được thể hiện cả ở niềm vui, nỗi buồn, sự đam mê… Để rồi, những ca khúc nằm lòng của sinh viên Việt Nam như: “Tâm hồn của đá”, “Bông hồng thủy tinh”… lần lượt được tái hiện trong phim. Không chỉ ở những chi tiết, hình ảnh lần đầu được công bố về việc tan rã, gắn kết của ban nhạc Bức Tường lần đầu được công bố; “Chuyện ngày hôm qua” đọng lại trong trái tim người xem về một câu chuyện hay, cách làm phim tài liệu mới mẻ.
Tín hiệu tốt của bộ phim chiếu rạp
Hiện nay, “Chuyện ngày hôm qua” được trình chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và rạp của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư. Theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng: “3 suất chiếu vào các ngày cuối tuần ở 2 hệ thống rạp thường là kín chỗ, hoặc kín 2/3 rạp. Với phim tài liệu như vậy đã là một niềm vui”. “Lúc đầu, chúng tôi chỉ định phát sóng trên truyền hình, nhưng sau buổi dựng đầu tiên, tôi hứa với đạo diễn cố gắng đưa ra rạp” - đạo diễn Trịnh Quang Tùng nhấn mạnh thêm. Với giá vé chỉ có 30.000 đồng, đơn vị sản xuất hy vọng hỗ trợ phần nào cho việc đầu tư kinh phí phát hành và đặc biệt là dành phần còn lại để thực hiện công tác từ thiện với các bệnh nhân nghèo.
Sau Hà Nội, các nhà làm phim đưa “Chuyện ngày hôm qua” tới Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt nữa là khi phát hành “Chuyện ngày hôm qua” giúp đơn vị tổ chức của Hãng phim tự tin đưa phim tài liệu về thời bao cấp ra rạp vào tháng 9/2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần