Phim võ thuật Việt: Mỏi mắt tìm diễn viên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Điểm lại những gương mặt trong làng phim võ thuật từ trước đến nay cũng chỉ có cha con NSND Lý Huỳnh, mới đây có thêm Johny Trí Nguyễn. Thiếu diễn viên như thế, biết đến khi nào phim võ thuật Việt mới khởi sắc?

 Khan hiếm

Hiện nước ta có gần 20 môn phái võ truyền thống với hàng triệu môn sinh, nhưng để tìm được một vài diễn viên đóng phim võ thuật trong số đó là điều rất khó. Bởi, một diễn viên võ thuật ngoài kỹ năng võ thuật, còn phải có ngoại hình phù hợp và khả năng diễn xuất.

Từ năm 1972 đến năm 1989, NSND Lý Huỳnh tham gia đóng phim và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh thành công, là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển phim võ thuật Việt Nam. Những bộ phim ông từng đóng như: "Long hổ sát đấu", "Quái nữ Việt quyền đạo", "Báu kiếm rửa hận thù"... ít nhiều vẫn lưu lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Sau khi tiếp quản sự nghiệp của cha, Lý Hùng cũng trở thành gương mặt sáng giá trong làng điện ảnh. Các phim võ thuật anh vào vai nam chính cũng là những phim được công chúng yêu thích như: Trần Dũng trong "Lửa cháy thành Đại La", Nguyễn Thế Trung trong phim "Thăng Long đệ nhất kiếm", Ông Ích Đường trong "Thanh gươm để lại", Sơn Tinh trong Sơn thần thủy quái", Đại tá Ca Lê Trung trong "Truy nã tội phạm quốc tế". Anh còn được một số hãng phim nước ngoài mời đóng phim võ thuật như "Kế hoạch 99", "Hồng hải tặc"...

Cha con Lý Huỳnh đã "làm mưa làm gió" ở thể loại phim võ thuật một thời gian khá dài, một phần cũng vì nền điện ảnh Việt Nam đang thiếu trầm trọng diễn viên có thể đóng phim võ hiệp. Bẵng đi một thời gian, sự xuất hiện của Johny Trí Nguyễn trong bộ phim "Dòng máu anh hùng" đã phần nào xoa dịu nỗi lo diễn viên. Nhưng phim võ thuật muốn phát triển thì không thể chỉ có ngần ấy cái tên.

Bao giờ mới khởi sắc?

Nhìn sang điện ảnh Trung Quốc, thấy không ít cái tên lừng danh của phim võ thuật: Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt… Sự chân thực, hiệu quả của mỗi động tác võ thuật trong phim họ đóng thực sự thu hút khán giả Việt Nam và thế giới. Thế mới thấy, ngoài sự thiếu hụt về kỹ xảo, sự chuyên nghiệp, thực trạng thiếu diễn viên là nguyên nhân quan trọng khiến phim võ thuật Việt chưa thể khẳng định.

Nhìn thẳng vào thực tế sẽ thấy để cho ra đời một ngôi sao võ thuật tốn nhiều thời gian, công sức mà độ rủi ro lại cao. Vì thế, các nhà sản xuất đôi khi không thể đợi chờ sự trưởng thành của một ngôi sao phim võ thuật mới. Thay vào đó, cách làm an toàn và hiệu quả là tìm một cái tên đã nổi tiếng, có sức hút phòng vé, rồi dùng kỹ xảo hoặc người đóng thế làm võ thuật. Thêm vào đó, các tuyến nhân vật ở mỗi bộ phim không có điểm nhấn. Nghĩa là không có một nhân vật có sức nặng, tiêu biểu cho tinh thần, khí chất của mỗi bộ môn võ thuật. Chính vì thế mà "Lệnh xóa sổ" của đạo diễn Trần Kim Hoàng bị chê bai kịch liệt, rồi "Lửa Phật" và "Chuộc tội" của đạo diễn Charlie Nguyễn công bố dự án mà chưa thể thực hiện.

Không thể coi võ thuật đơn giản chỉ là chiến đấu hay biểu diễn động tác võ, mà vào phim, võ thuật cần thể hiện được khí chất con người, những triết lý nhân sinh. Không có giải pháp thay thế, ngoài việc tiến hành tìm kiếm và đầu tư đào tạo diễn viên võ thuật từ sớm.