Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/11, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm trưởng đoàn đã làm việc với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội để kiểm tra kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.

Tham gia buổi làm việc có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi làm việc.
Cụ thể hoá thành nghị quyết để thực hiện
Báo cáo do Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh trình bày cho thấy, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, trung tâm đã cụ thể hoá thành một Nghị quyết, 4 chương trình công tác, 5 nhóm kế hoạch để thực hiện và nhờ đó đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, tốc độ thu ngân sách trung bình 25 - 29% so với năm trước và tỷ trọng khách du lịch quốc tế trung bình đạt trên 30%/năm. 
Cụ thể, chỉ tiêu về số lượng khách đến 2 khu di sản, nếu như năm 2016 đạt gần 400.000 lượt thì ước đến năm 2020 đạt 970.000 lượt. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế năm 2016 đạt 31%; 9 tháng đầu năm 2019 đạt 57,1% với 180.000 lượt người. Khách nội địa năm 2016 đạt 200.000 lượt và ước năm 2020 đạt 380.000 lượt. Còn đối với chỉ tiêu tổng thu từ khách du lịch, năm 2016 tổng thu đạt 6,23 tỷ đồng (tăng 69% so với năm 2015) và năm 2019 ước đạt hơn 12 tỷ đồng. 
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới mạnh mẽ, nhất là chương trình giáo dục di sản. Qua đó góp phần tích cực trong việc giới thiệu và giáo dục các giá trị lịch sử của di sản đến với thế hệ trẻ Thủ đô. Các hoạt động văn hoá thường niên thu hút đông giới trẻ tham gia. Khôi phục được các nghi lễ truyền thống trong dịp lễ, tết được các nhà khoa học và báo chí đánh giá cao về giá trị…
Chuyên nghiệp hơn trong quảng bá di sản
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hoàng Thành Thăng Long là di tích có giá trị vô cùng quan trọng không chỉ với Thủ đô mà còn trong chiều dài phát triển lịch sử dân tộc. Đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hoá và ngày nay sản phẩm du lịch chất lượng cao của Thủ đô.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã triển khai nghị quyết, chương trình để thực hiện; lượng khách năm sau tăng hơn năm trước; tổ chức nhiều công tác tuyên truyền; chỉnh trang cơ sở vật chất thu hút du khách. Tuy nhiên, việc phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có của di tích như: Chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao; chưa thu hút được khách nội địa; công tác quảng bá di tích chưa đậm nét; dự án, công trình được phê duyệt trong di tích triển khai còn chậm… 
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, ngoài nhiệm vụ chung thì trung tâm cần lên kế hoạch cụ thể và phân công rõ người, rõ việc tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu giá trị hai di sản Cổ Loa và Hoàng Thành. Để làm được thì đội ngũ cán bộ di tích phải ý thức sâu sắc trong quá trình thực hiện và nâng cao trình độ trong nhận thức về giá trị di sản. Đặc biệt, công tác thuyết minh, tuyên truyền phải “thổi hồn được vào di tích”; viết thành sách, liên kết nhiều đơn vị lữ hành để tuyền truyền.
Bên cạnh đó, phối hợp với các trường tiểu học, THPT và Sở GD&ĐT trên địa bàn để thực hiện việc giáo dục di sản. Liên kết với các cơ quan, đơn vị bổ sung thêm các tài liệu để thực hiện tuyên truyền, quảng bá và phục dựng các công trình trong khu di tích. Phối hợp với các cơ quan trong việc xây dựng và tổ chức các chương trình văn hoá tại di tích hấp dẫn theo đúng quy định. 
Đối với vấn đề xây dựng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, cần đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản. Nhất việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao di tích, hiện vật và chú trọng quản lý di tích. Đối với các dự án đã được phê duyệt trong di tích cần quan tâm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài ra, trong tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cần thực hiện kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu quả và tiến tới thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ. Nâng cao chất lượng hoạt động, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, hưỡng dẫn viên với tính chuyên nghiệp cao hơn.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần