Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Gắn thực hiện quy chế dân chủ với các nhiệm vụ chính trị

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/6, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP đã chủ trì Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo và thực hiện QCDC ở cơ sở; kịp thời kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện QCDC; tiếp tục chỉ đạo, gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”...

Đặc biệt, bám sát sự chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP. Trong đó, tập trung triển thực hiện tốt “Năm Dân vận chính quyền”; “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Theo đó, tính đến nay, TP đã kết nối mạng diện rộng tới tận 584/584 xã, phường, thị trấn; đã triển khai 337 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành TP đã chú trọng, tập trung làm tốt hơn công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong 6 tháng đầu năm, TP đã tiếp nhận và thụ lý theo thẩm quyền 2.131 vụ khiếu nại, tố cáo (gồm 1.500 vụ khiếu nại, 631 vụ tố cáo); đã giải quyết 1.800 vụ (đạt 84,46%), số còn lại đang trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 293 triệu đồng và 1.082m2 đất... Các Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát được 5.736 cuộc, phát hiện vi phạm là 2.959 vụ; chuyển đề xuất, kiến nghị 1.431 vụ cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 5.672m2 đất với giá trị 9.497 triệu đồng.

Ngoài ra, việc thực hiện QCDC trong các loại hình DN cũng có nhiều chuyển biến. Đến nay, có 95,2% DN tổ chức Hội nghị người lao động; gần 72% DN bầu được thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và công đoàn đồng cấp, gần 69% các DN FDI đã tổ chức Hội nghị người lao động. Trong đó, có 212 bản thỏa ước lao động tập thể có nội dung đảm bảo bữa ăn ca của người lao động.
Dân chủ là giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ

Qua các ý kiến trao đổi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở TP. “Việc thực hiện QCDC ở cơ sở từ xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đều tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả, gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, thông qua đối thoại, tuyên truyền, gặp gỡ đã góp phần giải tỏa bức xúc của người dân và tạo ổn định từ cơ sở”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Nhấn mạnh dân chủ là giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị từ chính quyền, MTTQ, các cấp, các ngành đều phải thực hiện và phát huy vai trò của QCDC gắn với thực hiện các Nghị quyết của T.Ư và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Trước mắt, từng thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ đặc điểm đơn vị mình để làm tốt công tác nắm tình hình, phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để giữ vững ổn định, an ninh trật tự.

Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC cũng giao Ban Dân vận Thành ủy chủ trì và đôn đốc việc thực hiện việc kiểm tra QCDC ở cơ sở. Ngoài ra, đôn đốc các quận, huyện tiến hành tổng kết và chuẩn bị nội dung báo cáo 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30 CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với tổng kết thực hiện Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW.

“Ban Chỉ đạo QCDC cần phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy để tập trung giải quyết gần 120 vụ việc phức tạp, bức xúc còn tồn đọng. Đồng thời, tích cực tham gia và phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần