Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/4, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao TP về thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.

  Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc
Theo nhận định của Đoàn khảo sát, Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy được Sở Văn hóa - Thể thao TP triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và Ban chỉ đạo chương trình. Hệ thống văn bản triển khai thực hiện chương trình đã được ban hành kịp thời.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan được thực hiện đúng định hướng, triển khai chủ động, tích cực, có đổi mới góp phần làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đường phố Thủ đô. Các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục ổn định và đạt được kết quả tốt đẹp, việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm; lượng khách đến tham quan, khám phá, nghiên cứu ngày một tăng; công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; những vụ việc vi phạm di tích được phát hiện và phối hợp xử lý.

Đối với 3 chỉ tiêu xây dựng các mô hình văn hóa “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” và “Tổ dân phố văn hóa” là nội dung chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Sở xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tiền đề để xây dựng các mô hình văn hóa khác. Năm 2016, Sở đã tiến hành rà soát công tác thực hiện xây dựng mô hình văn hóa trên 30 quận, huyện, thị xã. Đối với 2 chỉ tiêu “100% thôn làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng và 100% xã có điểm tập luyện thể dục, thể thao theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, đến nay đã có 85,1% thôn, làng có nhà văn hóa.

Sở cũng đã tiến hành rà soát hệ thống thiết chế văn hóa từ TP tới cơ sở. Hiện nay, có 23 thiết chế văn hóa cấp TP; 30/30 quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa thông tin và thể thao; 23/30 sân vận động, 18/30 bể bơi, 24/30 nhà thi đấu, 2.152/2.528 thôn làng có nhà văn hóa… So với năm 2016, tăng thêm 7 nhà văn hóa cấp xã; 103 nhà văn hóa thôn làng; 236 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố.

Với nhận định việc triển khai Chương trình 04-Ctr/TU bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng đoàn giám sát cũng chỉ ra một số nội dung, nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ như: Công tác quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng cơ sở vật chất. Công tác lập kế hoạch, danh mục di tích xuống cấp cần tu bổ tôn tạo còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu trên thực tế... Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao cần rà soát, phân tích nguyên nhân, xây dựng kế hoạch cụ thể và đề ra các giải pháp để tập trung khắc phục.

Nhấn mạnh Chương trình số 04 là chương trình có vai trò quan trọng trong 8 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVI và tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, với vai trò là cơ quan thường trực Chương trình 04, Sở Văn hóa Thể thao cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đã được xác định, đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Thực hiện, hoàn thiện và tham mưu UBND TP ban hành các Đề án, đẩy nhanh tiến độ các Dự án được giao trong Kế hoạch số 165/KH-UBND của UBND TP về thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với các tỉnh, TP trong nước, quốc tế và xã hội hóa về hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và tháo gỡ khó khăn, vưỡng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về văn hóa - thể thao của chương trình.

Đặc biệt, cần chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch; phát huy thể thao quần chúng và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa về thể thao; kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp và phát huy tâm huyết, trách nhiệm của các tổ chức làm về văn hóa theo hướng đổi mới cơ chế quản lý để tự chủ một phần và tiến tới tự chủ toàn phần…