Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng: Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của Thủ đô

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/3, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã làm việc với Sở Du lịch Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị Quyết 06-NQ/TU, ngày 26/6/2016 của Thành ủy “về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Tăng trưởng ấn tượng

Hà Nội là một trong trong những địa phương sớm có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Đầu năm 2017, Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải, điểm nổi bật trong những năm qua là Hà Nội đã đổi mới mạnh mẽ về tuyên truyền, quảng bá du lịch. Trong đó, nổi bật là triển khai hợp tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam trên kênh CNN quốc tế trong giai đoạn 2017 - 2018. Phát triển cổng thông tin du lịch Hà Nội kết nối toàn cầu để các nhà quản lý, DN, tổ chức, khách du lịch trao đổi, khám phá, giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ du lịch... Thực hiện Nghị quyết, ngành du lịch tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu Thủ đô khu di sản Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám…; khai thác các loại hình du lịch nghệ thuật, di sản văn hóa, di tích lịch sử…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch đều đạt cao và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thống kê cho thấy, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Hà Nội có mức tăng trưởng ấn tượng, bình quân 18%/năm (giai đoạn 2015 - 2018) và 2 tháng đầu năm 2018 tăng 31% so với cùng kỳ năm trước (đạt 1.503.186 lượt khách); tổng thu từ khách du lịch 2 tháng đạt 13.251 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng phân tích lợi thế của du lịch Thủ đô và đề xuất những giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu của Nghị quyết. Trong đó cần thúc đẩy mạnh hơn các cụm du lịch trọng điểm, thu hút đầu tư vào các cơ sở lưu trú. Đặc biệt, quan tâm đến kết nối du lịch và làng nghề, hiện vẫn thiếu những khu giới thiệu tập trung để quảng bá sản phẩm với du khách. Phát huy lợi thế các di tích, tăng thu hút thời gian lưu trú của khách du lịch để kích cầu thương mại...

Từ thực tế ngành du lịch năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng: Để thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu Nghị quyết 06 đã đề ra, Sở Du lịch cần thống kê, rà soát các điểm du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch. Tiếp tục quảng bá xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng theo hướng hiệu quả và hợp lý. Tiếp tục xây dựng du lịch thông minh, trong đó chú trọng cả xây dựng trang web của Sở Du lịch để cung cấp thông tin cho DN, du khách. Đồng thời, có kế hoạch chi tiết đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Đa dạng hơn các hình thức quảng bá, xúc tiến

Đánh giá cao UBND TP, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan đến triển khai hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 06 của Thành ủy, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận định: Du lịch Hà Nội phát triển theo đúng định hướng và có hiệu quả, nhất là về thu hút khách du lịch quốc tế. Hà Nội trở thành 10 TP có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế khi sự phối hợp giữa Sở Du lịch và các đơn vị chưa đồng bộ, chưa tạo nên sự tổng hợp để phát triển kinh tế du lịch. Sở đã xác định sản phẩm du lịch chủ đạo của TP là du lịch văn hóa, nhưng chưa được phát huy khai thác hiệu quả cao. Chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp, gián tiếp vẫn còn nhiều hạn chế…

Nhấn mạnh việc cần nhìn nhận rõ thực trạng để đề ra giải pháp đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị: Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của ngành du lịch Thủ đô; thấm nhuần 5 quan điểm đã được thể hiện trong Nghị quyết số 08 và Nghị quyết 06.

Thứ nhất, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ hai, du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, có thương hiệu và tính khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc.

Thứ ba, tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Thứ tư, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp; gắn với bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Thứ năm, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. “Không chỉ UBND TP, Sở Du lịch tuyên truyền, mà các ban ngành khác cũng cần tuyên truyền vận động”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ rõ.

Cùng với đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị: Tăng cường và đa dạng hơn nữa hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hợp tác, xúc tiến phát triển du lịch. Tổ chức liên kết với các tổ chức quốc tế, các địa phương, các hãng vận chuyển hàng không, cảng hàng không, đường bộ. Tăng cường đón các đoàn khảo sát của các hãng lữ hành quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm để tổ chức xúc tiến du lịch tại chỗ, hiệu quả. Kết nối với các doanh nghiệp du lịch và tạo thuận lợi cho khách du lịch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch trọng điểm, trong đó có du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống. Chú trọng đến các di tích văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới như Hoàng thành Thăng Long; khu di tích Phủ Chủ tịch, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ ở Đường Lâm, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, Ba Vì... “Không dàn trải, cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm để ra những sản phẩm đặc trưng”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.

Đồng thời cho rằng, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, trọng tâm là công tác xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện đối với du khách. Gắn với thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, các bộ quy tắc ứng xử, trong đó có Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tạo sự chuyển biến trong nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh đến yêu cầu thu hút mọi nguồn lực để phát triển du lịch. Tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng về nguồn nhân lực bài bản, chính quy và chuyên nghiệp để đội ngũ hơn 6.500 hướng dẫn viên du lịch của Hà Nội phải thực sự thổi hồn vào di tích. Có trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp cao.

Với các kiến nghị của Sở Du lịch, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị TP và các sở ngành rà soát, những nội dung có thể tháo gỡ ngay thì cần tháo gỡ để thực sự phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.