Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ vững an ninh của Thủ đô

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/7, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác nội chính và phòng chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng. Cùng dự có Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.

An ninh chính trị của Thủ đô được giữ vững

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan thuộc khối nội chính TP tiếp tục tham mưu cho Thành ủy duy trì và giữ vững ổn định an ninh; không để xảy ra các hoạt động gây rối an ninh trật tự, khủng bố, phá hoại. Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, phát sinh các điểm nóng về an ninh trật tự và đấu tranh vô hiệu hóa âm mưu, ý đồ hoạt động chống phá của một số đối tượng phản động, chống đối trong nước.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Đặc biệt, Ban Nội chính Thành ủy đã chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả và làm thất bại âm mưu của một số đối tượng chống đối lợi dụng việc Quốc hội đưa ra thảo luận dự thảo Luật Đặc khu, An ninh mạng để tụ tập đông người tuần hành trái pháp luật với phương thức, thủ đoạn mới. Theo đó, đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, vụ án nghiêm trọng đạt 98,2%; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án về kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao đều đạt cao và góp phần đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn TP. Trật tự giao thông, trật tự đô thị được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu trí, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài và cổ vũ đua xe trái phép…

Đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) được Thành ủy, UBND TP quan tâm, chỉ đạo triển khai kịp thời và bám sát các chỉ đạo T.Ư, Thành ủy. UBND TP đã xây dựng kế hoạch công tác PCTN, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa như: Tăng cường công khai minh bạch; đẩy mạnh CCHC; quan tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập… Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, 6 tháng đầu năm, Cơ quan điều tra Công an TP đã thụ lý điều tra 31 vụ với 82 bị can (trong đó, đã có kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát các cấp đề nghị truy tố 13 vụ với 38 bị can). Tòa án Nhân dân 2 cấp đã thụ lý 27 vụ với 118 bị cáo; đã xét xử 15 vụ với 65 bị cáo…

Cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Khối Nội chính TP đã đạt được trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, công tác nội chính và PCTN của TP phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính. Đồng thời, hoạt động của ngành phải bài bản và nắm chắc tình hình để tham mưu chính xác, kịp thời cho Thành ủy chỉ đạo xử lý mọi tình huống xảy ra nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Để làm được điều này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng các văn bản của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng đến cơ quan, tổ chức và người dân. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xuyên tạc, kích động, lôi kéo Nhân dân tham gia các hoạt động tuần hành, tụ tập đông người trái pháp luật và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các loại tội phạm hình sự; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án không để tồn đọng kéo dài và nâng cao chất lượng xét xử không bỏ lọt tội phạm, không để oan người vô tội.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo từ TP đến cơ sở. Các đơn vị phối hợp tham mưu cho Thành ủy tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Các đơn vị, địa phương triển khai công tác tự kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình dự án thuộc thẩm quyền; thực hiện nghiêm chủ trương đánh giá các lĩnh vực nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, lãng phí để đề ra các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết KNTC theo hướng tăng trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cần tiếp tục thực hiện tốt quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ công chức viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP. “Từng cơ quan đơn vị phải xây dựng quy định đánh giá cán bộ công chức hàng tháng phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị nhằm quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, lao động hợp đồng, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Bí thư thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành của TP cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2018 và triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần