Phổ biến, giáo dục pháp luật tại Hà Nội: Đổi mới, thiết thực hơn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2019, việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đổi mới với nhiều mô hình thiết thực, đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật của người dân.

 Quận Thanh Xuân tập huấn nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố. Ảnh: Thái San
Năm 2018, TP Hà Nội đã tổ chức 50 hội nghị triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về PBGDPL cho hơn 13.000 lượt người. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND TP tổ chức thành công 2 cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy” và “Tìm hiểu BLHS năm 2015” trên địa bàn TP. Đồng thời, biên soạn và in ấn 1.170.300 sách, tờ gấp pháp luật cấp phát miễn phí cho các sở, ngành, quận, huyện phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, trong năm 2019, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình, đề án, kế hoạch của UBND TP về PBGDPL. Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến các luật, Pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua năm 2018 và năm 2019, tập trung tuyên truyền phổ biến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tiếp cận Thông tin, Luật An ninh mạng, Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL góp phần thực hiện chủ đề công tác của TP năm 2019, gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của TP.

Bên cạnh đó, tổ chức tổng kết thực tiễn, đánh giá công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở qua 5 năm thi hành Luật PBGDPL, Luật Hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức chấp hành, tôn trọng và bảo vệ pháp luật của Nhân dân; bảo đảm nguồn lực để bố trí kinh phí PBGDPL và các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, triển khai thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2018 - 2021 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tập trung đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, chú trọng nội dung tuyên truyền theo từng chuyên đề cụ thể, phù hợp với từng thời điểm, gắn với các sự kiện chính trị - xã hội và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP, địa phương, đơn vị và nhu cầu xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, vận động, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động PBGDPL.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, trong năm 2019, TP Hà Nội cần đẩy mạnh công tác PBGDPL, nhất là tuyên truyền, PBGDPL các bộ luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong năm 2019. Đồng thời, chú trọng phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của người dân, DN; tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng.

Trong công tác PBGDPL, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu Sở Tư pháp cùng các sở, ngành, quận, huyện phải bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề TP đang tập trung chỉ đạo, được xã hội đặc biệt quan tâm như: Kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, trật tự và văn minh đô thị, an toàn giao thông, VSATTP, phòng chống cháy nổ, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội... Việc PBGDPL phải được đổi mới, thiết thực hơn, tránh hình thức, có hiệu quả thực sự để nâng cao ý thức pháp luật của người dân.