Phổ biến hình ảnh TNGT tại trường học, cơ quan: Cách tuyên truyền hiệu quả

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa hình ảnh thảm khốc của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đến gần hơn, liên tục hơn với người dân để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATGT trong toàn xã hội.

Bỏ ngỏ kênh thông tin hữu ích

Hiện nay, thông tin về các vụ TNGT xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng rất nhiều với tần suất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia rằng, còn một kênh thông tin tuyên truyền rất hữu ích khác mà lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ, đó là phổ biến trực tiếp các hình ảnh về TNGT tại các cơ quan, trường học, nhà máy thông qua bích họa, báo tường, hình ảnh cỡ lớn…

Trong một buổi tuyên truyền kiến thức về ATGT cho học sinh trường THPT Quang Trung (Hà Đông) mới đây, Ban ATGT TP Hà Nội đã mang đến một số bức ảnh với chủ đề về hậu quả của TNGT và phê phán những thói quen xấu như không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ba, hàng bốn khi đi xe máy, xe đạp điện của học sinh. Những bức ảnh này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm của các em học sinh, đặc biệt là những hình ảnh đáng sợ của TNGT. Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình cho biết: “Chúng tôi muốn thông qua những hình ảnh này để chuyển tải đến các em thông điệp: TNGT rất đáng sợ, hậu quả rất nặng nề và các em phải biết tự bảo vệ mình bằng việc tham gia giao thông có ý thức, chấp hành luật lệ”.
 Thầy và trò trường THPT Quang Trung (Hà Đông) bên những bức ảnh tuyên truyền về ATGT. Ảnh: Ngọc Hải

Tuy nhiên, những hoạt động đưa hình ảnh sinh động về hậu quả của TNGT đến với thanh thiếu niên, học sinh nói riêng và người dân nói chung lại chưa thường xuyên, nếu không muốn nói là khá hiếm hoi. Em Nguyễn Trung Hòa (trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông) bộc bạch: “Trên báo hay tivi em chỉ thấy được những cảnh bên ngoài một vụ TNGT chứ ít khi thấy những hình ảnh đáng sợ về nạn nhân bị tử vong hay thương tích”. Sau khi được xem một số hình ảnh của nạn nhân biến dạng do TNGT, nhiều em học sinh đã bị tác động rất mạnh và có sự nhìn nhận đầy đủ hơn về hậu quả của việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Ths tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh cho rằng, hành vi tham gia giao thông của mỗi người bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có sự thiếu hiểu biết về những rủi ro có thể gặp phải nếu xảy ra TNGT. “Khi chúng ta đưa cho đối tượng được tuyên truyền xem hình ảnh một nạn nhân bị đứt lìa chân tay hay vỡ sọ trong một vụ TNGT họ sẽ cảm thấy sợ hãi. Chúng ta lại tiếp tục giải thích cho họ biết rằng nguyên nhân là do không đội mũ bảo hiểm, không đi đúng phần đường hoặc lấn làn, vượt ẩu… Điều đó sẽ tác động rất tích cực đến đối tượng, hình thành ý thức tự bảo vệ trong họ” - ông Minh lý giải.

Những khoảng trống cần lấp đầy

Công tác tuyên truyền về ATGT đã được cả hệ thống chính trị, xã hội quan tâm sâu sắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống trong phương thức tuyên truyền. Ths Nguyễn Anh Minh chia sẻ, từ những năm 1990 trở về trước, hầu như cơ quan, nhà máy, trường học nào cũng có những tấm pano, bích họa… mang khẩu hiệu tuyên truyền về tinh thần yêu nước và cổ cũ thi đua lao động, học tập. “Phương thức này đã cho thấy hiệu quả sâu rộng trong toàn xã hội và trên nhiều lĩnh vực. Đối diện với vấn nạn nhức nhối là TNGT, chúng ta không thể bỏ qua một kênh tuyên truyền hữu hiệu như vậy được” - ông Minh nhận định.

Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc đưa hình ảnh thảm khốc của các vụ TNGT đến với người dân cần thường xuyên, liên tục hơn nữa. “Nếu hàng ngày, mỗi cán bộ, công nhân viên, mỗi em học sinh đến cơ quan, trường học đều được nhắc nhở về hậu quả của TNGT thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn rất nhiều” - ông Bình khẳng định.

Các chuyên gia cho rằng, có thể tận dụng không gian trước cổng chính, trên tường lớn của nhà trường, cơ quan, hay ngay trong chính các lớp học, phòng làm việc để dán, vẽ, trưng bày hình ảnh về TNGT. Mục đích của biện pháp này là nhắc nhở liên tục, để mỗi người luôn ý thức được rủi ro có thể gặp phải khi tham gia giao thông mà không chấp hành luật lệ, hay thiếu ý thức. Bên cạnh đó, cũng có thể xem xét trưng bày những hình ảnh về TNGT, châm biếm hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông tại các khu vực đông người qua lại như ngã ba, ngã tư, bến xe, nhà ga… để đông đảo Nhân dân có thể tiếp cận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần