Phổ biến quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA cho doanh nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/8, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA): Một số cam kết quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) và những điều cần lưu ý”.

Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về hiệp định EVFTA trước khi hiệp định được Chính phủ làm các thủ tục phê chuẩn theo luật định. Hội nghị đã cung cấp nhiều thông tin và kiến thức hữu ích cho các cơ quan quản lý địa phương, cộng đồng DN Việt Nam trong lĩnh vực SHTT và các DN kinh doanh những mặt hàng có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, hiệp hội ngành hàng. Từ đó góp phần thúc đẩy quá trình phê chuẩn và thực hiện hiệu quả hiệp định EVFTA trong thời gian sắp tới.
 Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa, ngoài ra còn có vấn đề SHTT. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA.
“Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống SHTT là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Hiệp định EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý cho nông sản của Việt Nam, vốn đã có mặt tại thị trường EU từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm đặc sản khác như trà Mộc Châu, trà Tân Cương, vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn…
Theo cam kết về SHTT trong EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý của EU, chủ yếu về rượu và thực phẩm. Còn EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Đại diện phía DN, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, cơ quan Nhà nước lựa chọn phương án tăng minh bạch trong quy trình, lựa chọn phương án có lợi cho nhóm sử dụng sản phẩm được bảo hộ quyền và tận dụng tối đa các quyền/ngoại lệ cho phép hạn chế quyền của chủ thể quyền vì lợi ích cộng đồng.
Theo liên Bộ, với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Được biết, Bộ KH&CN đã hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10 tới.