Phổ biến ứng dụng dịch vụ công rộng rãi trong Nhân dân

Bài và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tại cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT ngày 6/7/2016. Cùng dự có đại diện các ngành chức năng của TƯ, TP và lãnh dạo các sở, ngành UBND các quận huyện, thị xã trên địa bàn.

Hà Nội đi đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 6 tháng đầu năm, TP đã triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4 đến 168 phường, 12 quận và 10 sở; đưa vào vận hành 62/96 DVC TT (đạt 64,6%), đang vận hành và tiếp tục hoàn thiện 19/96 DVC nâng tổng số DVC trực tuyến của TP hiện lên 391 DVC mức độ 3, 4 đạt gần 20,4% tổng số TTHC của cơ quan nhà nước TP. Hệ thống DVC trực tuyến hiện đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, có gần 5 triệu lượt truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt trên 90%. Ngoài ra, triển khai hệ thống sổ điểm điện tử, học bạ điện tử tại 2.753 trường, đã cập nhật được gần 1,7 triệu học sinh, cấp hơn 70.700 tài khoản cho cho người sử dụng, đã có trên 19,450 triệu lượt truy cập hệ thống; triển khai hệ thống quản lý tầm soát ung thư tại 3 quận, cập nhật thông tin trên 40.700 xét nghiệm... ; Ứng dụng thông minh, tìm kiếm, thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking), trên tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe, qua hơn 1 tháng đã có khoảng 38.100 lượt giao dịch đỗ xe và thanh toán dịch vụ trông giữ xe, doanh thu đạt gần 600 triệu đồng....Từ nay đến cuối năm, TP sẽ triển khai tiếp 16 DVC tới 18 huyện và 416 cấp xã, phấn đấu, triển khai các DVC trực tuyến, tỷ lệ ít nhất 55%...
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị.
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Phú Tiến nhận định, Hà Nội là địa phương đi đầu ứng dụng CNTT thực hiện DVC trực tuyến, thiết thực phục vụ người dân và DN “Nhiều địa phương có hàng trăm DVC trực tuyến, nhưng không có DN nào sử dụng. Họ mới chỉ tính về số lượng chứ chưa tính được lượng hồ sơ giải quyết qua mạng", ông Nguyễn Phú Tiến thông tin.

Lấy người dân và DN làm mục tiêu phục vụ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung biểu dương các cấp, các ngành, các địa phương trong 6 tháng qua, đã có nhiều nỗ lực, ứng dụng CNTT, triển khai có hiệu quả các DVC, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và DN. Kết quả đó được khẳng định, Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, TP về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (tăng 1 bậc so với năm 2015) và là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, trong đó địa phương có cách làm hay, hiệu quả tốt như các quận Thanh Xuân, Long Biên, huyện Quốc Oai.. Đề nghị Sở TT&TT phối hợp với Sở Nội vụ, Ban thi đua khen thưởng có đề xuất khen thưởng cho đơn vị tập thể và cá nhân, Bằng khen của UBND TP để khích lệ các đơn vị, cá nhân…

Nhấn mạnh nhiệm vụ tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thời gian tới, các sở ngành, quận huyện cần tiếp tục thực hiện ứng dụng CNTT, triển khai DVC theo kế hoạch TP giao. Quá trình thực hiện, yêu cầu triển khai đến đâu chắc đến đó, bảo mật tốt, lựa chọn nhà đầu tư cùng tham gia trên cơ sở cùng hệ điều hành và cùng công nghệ; các phần thiết kế dữ liệu lấy chuẩn quốc tế, phải có tiếng Anh, đảm bảo cập nhật dữ liệu, đúng hướng, chắc chắn, bền vững…

Ứng dụng rộng rãi dịch vụ công

Để thực hiện mục tiêu trên, TP đang xây dựng sơ sở dữ liệu (CSDL) lớn (big data, kết nối ICT). Trung tâm này không đơn thuần tích hợp thống kê số liệu, mà trở thành nơi phân tích, nghiên cứu hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chính xác cho hiện tại và các năm tiếp theo; đồng thời sẽ làm cầu nối cung ứng sản phẩm này cho người dân, DN và mục tiêu cao nhất của TP là lấy người dân và DN là đối tượng phục vụ để phát triển.

Tuy nhiên để thực hiện thành công, cần đẩy mạnh tuyên tuyền phổ biến, hướng dẫn ứng dụng DVC rộng rãi trong Nhân dân”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh và yêu cầu, tại nơi cung ứng DVC cần hướng dẫn phổ biến tại chỗ cho người dân và DN; Huy động học sinh, sinh viên làm lực lượng nòng cốt, phố biến cho bố mẹ trong gia đình; nhân rộng mô hình của quận Thanh Xuân, ứng dụng DVC triển khai tới các khu đô thị, khu dân cư… “Dứt khoát đến cuối năm phải thí điểm đưa thiết bị thông minh vào từng gia đình, có tiêng nói, hình, sử dụng sim 4G để người dân đóng tiền học hành cho con cái, tên người dùng, định vị GPS từng gia đình…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, và cho rằng, sắp tới phải có quy chế gia đình cán bộ công chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu ứng dụng CNTT trên môi trường mạng, thực hiện DVC phổ thông… Năm 2017, TP phấn đấu DVC trực tuyến, tỷ lệ ít nhất 55%; năm 2018 là: 70%, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản ứng dụng DCV trực tuyến vào các lĩnh vực đời sống kinh tế- xã hội. “Đây chính là một trong những công cụ để thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà ta đang hướng tới”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Đến nay, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số DVC tại Hà Nội: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt trên 90%, ĐKKD trên 70%, Thuế: 97%, Hải quan: 100%, Bảo hiểm xã hội: trên 80%, hộ chiếu phổ thông: trên 80%,TT&TT: 90%...