“Nghiên cứu đưa thêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao khả năng PCCC”

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp… Các đơn vị quản lý PCCC cần nghiên cứu đưa thêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao khả năng PCCC; nghiên cứu chế tài xử phạt những tổ chức, cá nhân để xảy ra cháy, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị…

Đó là những chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND, ngày 1/6/2017, của UBND TP về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn TP diễn ra sáng 16/10.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.
Xử phạt 4,7 tỷ đồng đối với các cơ sở vi phạm
Theo báo cáo, thời gian qua, công tác PCCC đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cơ sở và người dân. UBND TP đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xử lý 62 công trình tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng và 114 cơ sở nhà cao tầng xe thang không tiếp cận được. Sở Giao thông vận tải cũng phối hợp với các quận huyện phá rỡ hàng nghìn bục bệ, cổng trào tại các đường làng, ngõ xóm tạo điều kiện thuận lợi cho xe chữa cháy hoạt động.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra các yêu cầu về PCCC khi thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng đối với các dự án, công trình. Rà soát thống kê 4.094 trụ nước chữa cháy, lắp đặt bổ sung các trụ cấp nước chữa cháy.
Bên cạnh đó, lực lượng PCCC TP đã tích cực hướng dẫn chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động của hệ thống thông báo. Cảnh báo cháy, lối thoát hiểm tại các công trình nhà, chung cư cao tầng, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động thông qua các buổi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật PCCC.
Trong 1 năm qua, các lực lượng PCCC của TP đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn về PCCC định kỳ, đột xuất đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý. Năm 2017 đã kiểm tra 45.794 lượt cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 4.132 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 13 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã kiểm tra 19.459 lượt cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 943 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 4,7 tỷ đồng, tạm đình chỉ 918 lượt cơ sở, đình chỉ 872 lượt cơ sở.
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu trao khen thưởng 5 tập thể 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Kế hoạch 128 của UBND TP.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những tồn tại hạn chế trong công tác PCCC. Như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC tuy đã được tăng cường song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở còn không ít sơ hở, cơ chế quản lý chưa rõ ràng, chặt chẽ nên việc kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm về an toàn PCCC còn chậm và sót lọt.
Trên thực tế, còn không ít công trình không duy trì đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC. Có 954/1.586 cơ sở còn tồn tại, thiếu sót, vi phạm các điều kiện an toàn về PCCC...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Trong thời gian qua tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội có những diễn biến phức tạp, điều này yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Trước mắt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu các đơn vị quản lý PCCC cần nghiên cứu đưa thêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao khả năng PCCC. Như xem xét xây dựng các thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà; nghiên cứu các phương án thoát hiểm bổ sung để cho vào quy định bắt buộc về PCCC.
Tập trung nghiên cứu học tập kinh nghiệm PCCC ở các nước tiên tiến, tiếp tục đề xuất về chế tài xử phạt lên các bộ ngành trung ương phê duyệt. Đặc biệt, nghiên cứu chế tài xử phạt những tổ chức, cá nhân để xảy ra cháy, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị này.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND TP khen thưởng.
Phó chủ tịch Thường trực cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường đầu tư hạ tầng, tích cực kiểm tra các quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn… và người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ ở những cơ sở này.
Ở cơ sở, chính quyền cần kiểm tra thực tế, xử phạt nghiêm các vi phạm… Tích cực điều tra rà soát, nắm bắt địa bàn, cảnh báo về nguy cơ cháy nổ ở các khu nhà trọ. Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tuyên truyền về các nguyên nhân xảy ra cháy để người dân dễ hiểu. Ngoài ra, cần tăng cường trang bị và nâng cao nghiệp vụ nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần