Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố: Hà Nội có lộ trình cụ thể, phối hợp đồng bộ trong triển khai thí điểm chính quyền đô thị

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 'Khi đã có Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, để triển khai thực hiện đạt hiệu quả nhất, Thành phố xác định với tinh thần chủ động, bài bản; đã đề ra các công việc, phân công, phân nhiệm và có lộ trình cụ thể để đảm bảo phối hợp đồng bộ...' - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Sáng nay (21/2), Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến các nội dung Luật số 47/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP); Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Tới dự có PGS. TS Lê Minh Thông - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; cùng các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP, lãnh đạo các sở, ngành, đại biểu HĐND TP, lãnh đạo quận, huyện, thị xã thuộc TP.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố: Hà Nội có lộ trình cụ thể, phối hợp đồng bộ trong triển khai thí điểm chính quyền đô thị - Ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị

Tại đây, các đại biểu được nghe PGS. TS Lê Minh Thông phổ biến các nội dung cơ bản và những vấn đề liên quan trong Luật số 47/2019/QH14 và Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội. Theo PGS. TS, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP mới được Quốc hội thông qua vào năm 2015 nhưng qua hơn 3 năm đưa vào thực tiễn đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, dù hai luật được xây dựng trên tinh thần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, vừa qua Hội nghị T.Ư lần thứ 6 đã ban hành nghị quyết rất quan trọng về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả (Nghị quyết 18).
Theo đó, đặt ra những yêu cầu mới trong việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức hoạt động hệ thống chính trị nói chung, mà trọng tâm là tổ chức bộ máy Nhà nước; đặt ra những quan điểm mới, vấn đề mới cần tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình làm luật để sửa đổi bổ sung một số điều của hai luật này. “Trên tinh thần đó, luật sửa đổi lần này phải giải quyết được hai vấn đề: Góp phần khắc phục những bất cập thể hiện qua hơn 3 năm thi hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức CQĐP đặt ra; cụ thể hóa, thể chế hóa những quan điểm về tiếp tục đổi mới bộ máy Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 18”, PGS. TS nói.
Đặc biệt, đối với Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, PGS.TS Lê Minh Thông nhấn mạnh là nghị quyết rất quan trọng, đã được chuẩn bị rất công phu, cân nhắc nhiều vấn đề. Trước đây, TP Hồ Chí Minh có thành lập một ban soạn thảo đề án rất công phu về mô hình chính quyền đô thị để đề nghị thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, dù chưa được thông qua, nhưng những vấn đề địa phương này đặt ra vẫn còn đó, rất đáng lưu ý. Trong Luật Tổ chức CQĐP năm 2015, những vấn đề về đô thi, hải đảo vẫn chưa giải quyết được, bởi đặc thù nông thôn và đô thị khác nhau; nhất là với tính chất thị trường hiện nay thì tính chất chính quyền giữa nông thôn và đô thị càng khác nhau. Trên tinh thần đó, Hà Nội rất cần và đã xây dựng đề án để quản lý TP theo mô hình chính quyền đô thị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Các nội dung trong Luật số 47/2019/QH14 và Nghị quyết 97/2019/QH14 là những văn bản rất quan trọng, thiết thực với HĐND và đại biểu HĐND các cấp của TP Hà Nội. HĐND TP thời gian qua luôn đổi mới, thường xuyên tổ chức hội nghị, giao ban chuyên đề, cập nhật những kiến thức mới. Luật số 47/2019/QH14 và đặc biệt Nghị quyết 97/2019/QH14 về Đề án thí điểm chính quyền đô thị có thể nói là kết quả của cả một quá trình nỗ lực của cả TP như Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP, Đảng Đoàn HĐND TP, các cơ quan TP, các quận, huyện trong quá trình tổ chức triển khai… Kết luận 46 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, đây là đề án được xây dựng rất kỳ công; TP đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến, học hỏi kinh nghiệm của nhiều tỉnh, TP trên cả nước, thậm chí của một số quốc gia. Với nghị quyết này, Hà Nội là TP đi đầu thực hiện; một số địa phương đang tham khảo mô hình của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố: Hà Nội có lộ trình cụ thể, phối hợp đồng bộ trong triển khai thí điểm chính quyền đô thị - Ảnh 2

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP, khi TP đã có Nghị quyết 97, cũng như ứng xử với Luật số 47, để triển khai thực hiện đạt hiệu quả nhất trong thời gian tới, TP xác định với tinh thần chủ động, đồng bộ, bài bản. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 171 để triển khai thực hiện, cùng các kế hoạch chi tiết, trong đó tập trung vào nhiệm vụ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả bộ máy; thí điểm không tổ chức HĐND tại các quận và thị xã Sơn Tây. Trong kế hoạch này, TP đã chủ động xác định các công việc cụ thể, phân công phân nhiệm và có lộ trình để đảm bảo phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền TP với các đơn vị, quận, huyện và giữa TP với các cơ quan T.Ư.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cho hay, liên quan đến phần thứ hai của Đề án Chính quyền đô thị là cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, đất đai, ngân sách, TP đang tập trung triển khai, thông qua các bộ, ngành và dự kiến kịp trình tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào tháng 5/2020. Khi đó, điều kiện triển khai thực hiện Đề án chính quyền đô thị sẽ hoàn chỉnh, tạo nhiều điều kiện phát triển cho Hà Nội. Từ Kế hoạch 171 của Thành ủy, toàn TP đã và đang rất chủ động triển khai mọi công việc với lộ trình, cách thức phù hợp. Trong đó, Đảng đoàn HĐND TP đã xây dựng Kế hoạch 12, phân công rất cụ thể theo nội dung công tác của Đảng Đoàn, các Ban HĐND, các đơn vị, quận, huyện phối hợp; trên cơ sở 5 nhiệm vụ được giao, HĐND TP đã phân nhiệm thành 9 nội dung công việc rất cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất, đúng quy định. Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Đề án 04 về nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND các cấp. Tới đây, Đảng đoàn HĐND TP sẽ xây dựng một đề án, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để có những đề xuất, cơ chế phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn.
“Đề nghị các quận, huyện, đơn vị, sở, ngành TP căn cứ kế hoạch của TP thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm biến các điều kiện, cơ hội thuận lợi có được từ các luật, nghị quyết mới ban hành để triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến; nhất là thực hiện trong bối cảnh triển khai rất nhiều công việc như tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, sắp xếp các thôn, tổ dân phố… nên cần ứng xử để làm sao triển khai các luật, nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần