Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố: "Quy hoạch phải ổn định lâu dài và đi trước một bước"

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- "Đề nghị UBND TP và các sở, ngành liên quan quan tâm rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật, nhất là những quy định mới, với quan điểm quy hoạch phải đi vào cuộc sống, ổn định và mang tính lâu dài, đi trước một bước, không thể cứ sau một thời gian lại điều chỉnh" - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh tại buổi làm việc của hai đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP vói UBND TP và các sở, ngành hôm nay (21/11).

Sáng nay (21/11), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc của hai đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP với UBND TP và các sở, ngành liên quan về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) nông thôn trên địa bàn TP. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.
 Quang cảnh buổi làm việc
Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh, công tác QHXD và công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại TP đạt kết quả rất đáng khích lệ: UBND TP đã phê duyệt 13/14 đồ án “QH chung xây dựng huyện tỷ lệ 1/10.000-1/5.000” (trừ Gia Lâm); TP có 6/17 huyện đạt chuẩn huyện NTM và đang lập hồ sơ công nhận huyện Thạch Thất; UBND các huyện đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh QH xây dựng xã NTM cho 225/324 xã, 7/14 huyện hoàn thành điều chỉnh các QH chung xây dựng xã NTM tỷ lệ 1/5000-1/2000… Việc quản lý xây dựng theo QH, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các QHXD, công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được TP giao.
Tại đây, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân thay mặt hai đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương, song cũng chỉ ra một số tồn tại: Chất lượng nhiều đồ án QHXD nông thôn mới các xã lập trước đây còn nhiều hạn chế; định hướng QH phát triển không gian xã NTM chưa dự báo được quy mô phát triển dân số; nhiều đơn vị chưa lập QH trung tâm xã, QH điểm dân cư nông thôn theo quy định của Luật Xây dựng hoặc lập nhưng thiếu, chưa quan tâm các điểm dân cư hiện hữu; tầm nhìn, dự báo QHXD tại khu vực nông thôn thiếu tính toán đầy đủ các yếu tố, xu hướng phát triển và quản lý theo hướng văn minh đô thị… Công tác rà soát điều chỉnh QH tại 5 huyện chuẩn bị lên quận và 2 huyện có đô thị vệ tinh cũng thiếu thống nhất trong tổ chức thực hiện, chưa có định hướng tổng thể phù hợp yêu cầu quản lý trong tương lai…
Nhiều thành viên đoàn giám sát cũng nêu những kiến nghị cụ thể trong công tác này. Trong đó, Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP, Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức đề nghị giải quyết tốt về cơ chế chính sách cho lập, thẩm định, công bố QH; nếu không sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ các đồ án QH. Qua giám sát cho thấy, với 5 huyện chuẩn bị thành quận, nếu cứ “áp” các tiêu chí NTM thì rất khó; TP cần có tầm nhìn về QH xa hơn, QH cần đi trước một bước. Về chất lượng QH, đề nghị Sở Nội vụ, Sở QH-KT quan tâm hơn đến nhân lực cho QH và quản lý xây dựng ở cấp huyện, nếu cần thì luân chuyển cán bộ; cùng với bố trí ngân sách thì cơ chế sử dụng ngân sách cần được chú trọng, giúp các huyện có liên kết hoặc thuê đối tác nước ngoài... Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình lại băn khoăn về hạn chế trong dự báo cho QH, cách đặt vấn đề chưa thống nhất giữa các sở ngành và quận huyện; QH nông thôn nhiều xã quan tâm nhiều đến hạ tầng kinh tế-kỹ thuật mà chưa chú ý bảo tồn di sản cho tương xứng; trong khi số lượng rất lớn di tích nhưng chưa tới một nửa được xếp hạng, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề bảo tồn phát triển trong QH nông thôn cần được quan tâm hơn.
 Phó Chủ tịchUBND TP Nguyễn Thế Hùng phát biểu
Đồng tình các hạn chế đoàn giám sát nêu ra, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cần phối hợp giải quyết, trong đó tiếp tục gỡ khó trong thực hiện các luật, nghị định; TP cũng đã giao Sở Nội vụ củng cố hệ thống phòng Quản lý đô thị tại các quận huyện. QH xây dựng NTM đang đi trước QH chung và QH phân khu rõ ràng là một tồn tại thực tế khách quan, cần xử lý, trong đó các chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cần đề xuất cụ thể cho từng đồ án QH NTM. Về QH trung tâm, đúng là nên lập nhưng cần xác định lộ trình, không thể dàn trải toàn bộ mà cần xem nơi nào làm trước. Với 5 huyện chuẩn bị lên quận, chắc chắn không điều chỉnh QH NTM nữa mà triển khai QH đô thị luôn, trong đó cần quan tâm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vấn đề bảo tồn; rà soát các dự án chậm triển khai, cần thiết thì thu hồi... Về vốn cho QH, TP không hạn hẹp, nhưng cũng là vấn đề khó, vì để hình thành được nhiệm vụ, dự toán, thẩm định, quy trình để được duyệt vốn cũng là bài toán không dễ.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Công tác QHXD luôn được TP rất quan tâm, trong đó Thành ủy có Chương trình 02 về xây dựng NTM, nhiều chương trình liên quan QH mạng lưới ở nông thôn; HĐND TP đã ban hành nhiều nghị quyết thông qua các QH chuyên ngành... Tuy nhiên, đề nghị UBND TP và các sở, ngành quan tâm rà soát việc chấp hành quy định pháp luật, nhất là những quy định mới, với quan điểm QH phải đi vào cuộc sống, ổn định và mang tính lâu dài, đi trước một bước, không thể cứ sau một thời gian lại điều chỉnh. Với những vùng đặc thù, cần phân chia để có cách ứng xử phù hợp; quản lý QH các vùng trung tâm xã, điểm dân cư, các huyện tới đây lên quận... có cách thức hiệu quả để quản lý cấp phép. Trong chất lượng thực hiện QH thì chất lượng tư vấn rất quan trọng, nên Viện QH cần quan tâm nâng cao, các huyện tăng phối hợp với Sở QH-KT để tập huấn cán bộ. Đặc biệt, nguồn lực cho QH cần được tập trung, trong đó rà soát việc thực hiện kinh phí cho lập QH. “Không thể xác định “QH đi trước một bước” mà khi đề cập đến kinh phí thì lại bảo không có. Trong đó, liên quan các đồ án từ huyện lên quận vào năm 2025 hoặc có huyện sớm hơn, cần có cách thức hiệu quả để bố trí kinh phí. Từ huyện lên quận, xã lên phường có rất nhiều bài toán cần giải quyết liên quan đến nguồn lực, TP cần có chuyên đề cụ thể để thực hiện”, đồng chí nói.
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm việc
Với nhiều vướng mắc liên quan QH vùng ngoài bãi, trong đó có QH phòng chống lũ và đê điều thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT, đồng chí đề nghị TP và các sở ngành tập trung giải quyết, UBND TP chỉ đạo các huyện tăng quản lý trật tự xây dựng khu vực này, các ban HĐND TP chủ động những vấn đề liên quan kinh phí ngân sách. Các sở, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp với nhau và với các huyện để thực hiện tốt, đúng chức năng nhiệm vụ; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần