Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm: Vỉa hè có rất nhiều chức năng

Vân Hằng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vỉa hè của Việt Nam nói chung từ trước đến nay dường như chỉ để phục vụ lợi ích riêng của cá nhân, tổ chức, bằng nhiều cách khác nhau.

 

Điều đó khiến các TP trở nên nhếch nhác, khiến bộ mặt đô thị hằn những “điểm nhấn” xấu xí. Đó là hệ quả của buông lỏng quản lý, phản ánh thực chất của sự nể nang, văn hóa “phong bì”. Người đứng đầu cũng chưa làm hết trách nhiệm, sợ ảnh hưởng thành tích chung nên xuề xòa khi xử lý" - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nhận xét.

Hà Nội mới đây đã thể hiện sự quyết liệt trong việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè. Dưới góc độ nghiên cứu quản lý đô thị, ông nhận định như thế nào về động thái này của các cấp chính quyền?

- Tôi hoan nghênh việc ra quân lập lại trật tự trên vỉa hè. Đây là một vấn đề rất bức thiết mà chúng ta buôn lỏng quá lâu và càng ngày càng trở nên nghiêm trọng theo chiều hướng xấu. Việc ra quân ở Hà Nội đã bắt đầu lan rộng ra các đô thị khác, hình thành phong trào muốn thay đổi cách quản lý đô thị. Thời gian trước đã từng làm nhưng tinh thần “yếu” lắm. Bởi đến dẹp xong, các hộ kinh doanh lại sử dụng văn hóa “phong bì” đâu lại vào đấy. Đó là do chính quyền địa phương không nghiêm. Do đó, về mặt cán bộ, chúng ta phải tăng thêm tính chuyên nghiệp, không đưa “con ông cháu cha, quen biết” vào bộ máy, mà cần những người có kiến thức. Thứ hai, ngoài kiến thức thì muốn làm được phải có đạo đức công vụ.

Vậy ai kiểm tra kiến thức và đạo đức công vụ? Đó là HĐND, các đại biểu dân cử cần lấy ý kiến Nhân dân, rồi kiểm tra, kiểm soát thấy người dân có ý kiến ở chỗ nào thì phải yêu cầu chính quyền nơi đó phải sửa. Nếu không, tôi không bầu ông nữa, phải quy trách nhiệm. Như thế công cụ và trách nhiệm mới rõ ràng

Người Việt vẫn thường hay có câu “sau gánh hàng rong là một gia đình”. Vậy nên chăng chúng ta cần có sự hỗ trợ, sắp xếp cho nhóm đối tượng này thời gian và địa điểm buôn bán?

- Vỉa hè có rất nhiều chức năng chứ không đơn thuần chỉ dành cho người đi bộ. Nó còn là không gian đệm giữa nhà và con đường. Đã là không gian đệm thì phải có luồng giao thông dọc từ đường vào nhà, từ nhà ra đường, chứ không chỉ đơn thuần là các tuyến giao thông dọc phố. Chủ nhà mặt phố họ có xe máy, xe ô tô thì việc đỗ trên vỉa hè là đang thực hiện chức năng của không gian đệm. Ngoài ra, vỉa hè còn là không gian công cộng để cho mọi người gặp gỡ giao tiếp với nhau. Đây là nhu cầu bức thiết của đô thị, phải nhân rộng. Bây giờ, tôi nghĩ dọn dẹp vỉa hè tức là những ai lấn chiếm thì bị dọn dẹp nhưng nhu cầu chính đáng nên có giải pháp phù hợp. Lúc này gọi là “lập lại trật tự đô thị” thì đúng hơn.

Việc buôn bán hàng rong trên vỉa hè vì thế cũng cần phải đảm bảo cuộc sống mưu sinh cho bà con. Hàng rong là một đặc sản của phố đô thị và chỉ xuất hiện ở một số nơi, chứ không phải tất cả. Thị trường ở đâu có nhu cầu thì ở đó mới có cung. Tuy nhiên, nếu cái cung đó cản trở đến các chức năng khác của vỉa hè thì mình phải thu xếp lại. Quy định rõ ràng và triệt để đối với những tuyến phố chính, đông người giờ cao điểm thì hàng rong không được phép hoạt động. Nhưng ở những đường ngách hai bên thì có thể cho hàng rong bày bán cho người có nhu cầu. Nói đơn giản là quản lý đô thị thế nào để những nhu cầu của xã hội được đáp ứng một cách trật tự, không “cản” nhau mới là cái đích cần hướng tới. Bởi nếu cực đoan cấm tất chỉ còn lại chức năng đi bộ thì vì miếng cơm manh áo, đại đa số người dân lao động vẫn sẽ lén lút làm. Tất nhiên, tôi cho rằng, các cấp chính quyền đang quyết liệt ưu tiên lập lại trật tự đô thị vỉa hè. Khi ổn thỏa xong sẽ bố trí dung hòa các chức năng còn lại.

Xin cảm ơn ông!