Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: Tuyên truyền pháp luật bằng hình thức trực tuyến nhiều hơn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta phải tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hình thức trực tuyến nhiều hơn; tuyên truyền qua báo chí, truyền hình nhiều hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Chiều 3/12, UBND TP Hà Nội tổ chức giao ban công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP chủ trì hội nghị.

Năm 2020, công tác PBGDPL trên địa bàn TP đã có sự điều chỉnh kịp thời; linh hoạt bám sát sự chỉ đạo của T.Ư và TP để tham mưu cho UBND TP xây dựng, ban hành các văn bản và triển khai theo đúng nhiệm vụ đã đề ra. Hội đồng Phối hợp PBGDPL đã tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Video cuộc thi ''Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng'' năm 2020 – Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trong năm 2021 sẽ tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân và DN được Quốc hội thông qua năm 2020 và năm 2021; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cùng đó, tiếp tục phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật góp phần thực hiện chủ đề công tác của TP năm 2021. Đẩy mạnh văn hóa pháp lý, lối sống tuân thủ pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, DN và Nhân dân, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân...

Mô hình “Cầu thang pháp luật” tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách phòng ngừa dịch Covid-19. Trong ảnh, thang máy tại chung cư Imperia Garden (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) dán quy định về phòng, chống Covid-19 bằng các thứ tiếng khác nhau 

Tại hội nghị, các ý kiến đề xuất cần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL. Trong đó, tăng cường PBGDPL các luật, văn bản mới; chú trọng tuyên truyền cho các đối tượng đang chấp hành hình phạt tù, các đối tượng đặc thù. Đối với tủ sách pháp luật, đại diện Sở Xây dựng đề xuất có nên bỏ hay không vì nhiều nơi không còn phù hợp...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần tích cực thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, tạo thành phong trào tuân thủ nghiêm pháp luật của tổ chức và cá nhân trên địa bàn TP. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại tại Hà Nội.

“Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, có các giải pháp, giảm hội họp, hội nghị, tránh tập trung đông người. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hình thức trực tuyến nhiều hơn; tuyên truyền qua báo chí, truyền hình nhiều hơn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khó khăn, TP triển khai rất nhiều nhiệm vụ, chúng ta cũng phải triển khai công việc hiệu quả, phân bổ kinh phí hợp lý, sử dụng hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Về ý kiến đề xuất bỏ tủ sách pháp luật, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị không nên bỏ tủ sách pháp luật vì ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn cần thiết sử dụng. Phải duy trì khai thác tủ sách pháp luật, đồng thời từng bước xây dựng tủ sách pháp luật điện tử của TP Hà Nội.