Chiều 4/12, tại phiên thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018, đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ đại biểu Cầu Giấy) nêu về hiệu quả thực hiện chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Sở Tài Chính và Sở Nội vụ đã tham mưu TP thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuộc Sở Tài chính, trên cơ sở cán bộ công chức viên chức Sở Tài chính sắp xếp vào đây (không làm tăng biên chế).
Việc tổ chức triển khai rất bài bản, TP rà soát danh mục tài sản để trình UBND TP ban hành, đưa lên khoảng 12 danh mục, trong đó có danh mục thiết bị y tế cũng như vật tư tiêu hao trong quá trình khám chữa bệnh.
Trong quá trình triển khai, TP rất thận trọng, tranh thủ ý kiến của các cấp ngành để tạo đồng thuận. Từ việc đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung, sau khi đấu thầu thì thì triển khai kết quả đấu thầu và tổ chức thanh toán. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có phát sinh một số tồn tại thực tế, như: Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong mỗi năm chỉ mua sắm tập trung được một lần, dẫn đến việc phải chờ tổng hợp từ các đơn vị, sở ngành, quận huyện lên TP, đủ một mức độ nhất đinh thì cơ quan tài chính mới tổ chức đấu thầu, nên nhu cầu của các đơn vị cũng không được đáp ứng kịp thời.
Bên cạnh đó, khi đấu thầu mua sắm tập trung thì thống nhất một danh mục tài sản, khi mua sắm thì đồng loạt trang bị cho cả TP, từ bàn ghế, máy tính đến nhiều vật dụng khác, nhưng khi áp vào nhu cầu của các đơn vị thì không phù hợp nhu cầu đơn vị.
Về giá, khi đơn vị lập nên để báo cáo Trung tâm mua sắm tập trung, có thể mùa đông giá điều hòa thấp nhưng khi đấu thầu tập trung vào mùa hè thì giá cao, vì vậy phát sinh nhiều khó khăn. Về các thiết bị y tế cũng vậy, chủ yếu là các bệnh viện phải đăng ký, nhưng các bệnh viện phản ánh các thiết bị được mua sắm tập trung cũng cho biết chưa phù hợp thực tế của bệnh viện… Hơn nữa, trong quá tình thực hiện thanh quyết toán, khi Trung tâm mua sắm tập trung thực hiện việc đấu thầu xong thì đơn vị trúng thầu thực hiện ký hợp đồng khung với đơn vị được cung ứng.
Trên cơ sở hợp đồng khung đó, các đơn vị sử dụng, đơn vị dự toán ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị, nên một món chúng ta đấu thầu tập trung được rải rác ở rất nhiều đơn vị, liên quan đến các đơn vị sự nghiệp từ trường học đến y tế, nên quá trình lắp đặt triển khai rất vất vả, nhất là khi các đơn vị được sử dụng có thể thanh toán cho các đơn vị cung ứng cũng rất khó khăn.
Vì vậy, qua thực tế các đơn vị tổng hợp về, UBND TP nhận thấy tới đây, cần rà soát lại trong những danh mục này, xem danh mục nào cần mua sắm tập trung với tinh thần hiệu quả, cải cách TTHC, đáp ứng được yêu cầu chung. Trong quá trình đấu thầu mua sắm tập trung cũng cần xem khâu nào đang phát sinh phiền hà, xem một năm đấu thầu bao nhiêu lần là đủ, hay có cần thường xuyên hay không, tránh hiện tượng có những cơ sở vật chất, dự án, trường học, công trình… khi xây xong phần thô thì phần thiết bị lại phải chờ… UBND TP cũng đề nghị, đây là chủ trương mới của Chính phủ, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều để nâng cao hiệu quả mua sắm, nên các đại biểu HNND TP qua thực tế giám sát cần có thông tin phản hồi cho TP và các sở ngành lắng nghe.
“Chúng tôi đang giao Sở Tài chính báo cáo tổng thể, rà soát những kết quả làm được cũng như những gì cần khắc phục về đấu thầu tập trung, thậm chí có những danh mục cần đưa ra khỏi đấu thầu tập trung. Hy vọng, chủ trương đấu thầu mua sắm tập trung của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội tới đây sẽ được thực hiện hiệu quả và thiết thực”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định.