Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh: Hà Nội thực hiện chính sách nhân văn để giảm nghèo bền vững

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bằng việc thực hiện những chính sách nhân văn, đến cuối năm 2019. TP Hà Nội giảm còn 0,42% hộ nghèo. Khi giờ khắc chuyển giao sang năm Canh Tý 2020 đang đến rất gần, trao đổi về công tác giảm nghèo bền vững, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, TP Hà Nội đã thực hiện chính sách rất nhân văn, hữu ích.

Hộ nghèo nào cũng được quan tâm
Thưa ông, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả nổi bật và là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của văn hóa – xã hội của Thủ đô. Để tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,42% vào cuối năm 2019, TP đã thực hiện những giải pháp gì?
- Cuối năm 2018, Hà Nội còn 1,16% hộ nghèo. Với tỷ lệ này, chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, Hà Nội đặt ra yêu cầu cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo. Tháng 7/2019, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu UBND, HĐND TP ban hành nghị quyết 04 về hỗ trợ giảm nghèo cho những hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo và các hộ thoát nghèo bền vững. Và, các chế độ, chính sách này được đánh giá rất nhân văn, hữu ích.
Ví dụ, người già cô đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật là thành viên của hộ nghèo, không có khả năng thoát nghèo được TP hỗ trợ 1.400.000 đồng/tháng (khu vực thành thị) và 1.100.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn). Đồng thời sau khi thoát nghèo, họ được hưởng Bảo hiểm y tế 100%, giảm học phí.
 Người lao động được tư vấn, ứng tuyển tại phiên Giao dịch việc làm huyện Đông Anh. Ảnh: Oanh Trần
Đặc biệt những người già cô đơn không nơi nương tựa được đưa vào những cơ sở xã hội nuôi dưỡng suốt đời. Theo đó, với sự vào cuộc quyết liệt của các quận, huyện, thị xã chung tay góp sức của toàn xã hội, đến nay đã có hàng chục người già cô đơn được đưa vào các cơ sở bảo trợ của Sở LĐTB&XH Hà Nội để nuôi dưỡng, chăm sóc.
Để giảm nghèo bền vững phải đạt được nhiều tiêu chí về nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và thu nhập là vấn đề cốt lõi. Và, để đảm bảo tiêu chí thu nhập cho người dân, TP đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Để giúp người dân, đặc biệt là những hộ nghèo thoát nghèo bền vững, Thành ủy, HĐND, UBND TP chỉ đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội đồng thời phối hợp rất chặt chẽ với các quận, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các mặt. Thứ nhất là tuyên truyền, vận động các cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Thứ hai, khơi dậy mong của người dân đang là hộ nghèo để họ thoát nghèo. Thứ ba, huy động toàn xã hội chung tay giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ tư, huy động các nguồn lực để hỗ trợ hỗ nghèo. Ví dụ, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, đã hoàn thành năm 2018; hỗ trợ vệ sinh, nước sạch; hỗ trợ về tiền điện, học phí, phương tiện sản xuất (xe máy, máy ép nước mía...đối với những người trong hộ nghèo còn khả năng lao động...)
Đồng thời thực hiện rất hiệu quả công tác cho vay vốn giải quyết việc làm. Trong năm 2019, TP đã dành hơn 1.000 tỷ đồng để ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm. Trong đó, ưu tiên nhất cho các hộ nghèo, cận nghèo. Với những giải pháp đó đã đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 1,16% xuống còn dưới 0,42% (8.754 hộ nghèo). Các hộ nghèo đều thoát nghèo bền vững.
Đào tạo nghề gắn với tuyển dụng
Việc cho vay vốn giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn TP còn bao nhiêu, thưa ông?
2019 là năm Sở LĐTB&XH Hà Nội thực hiện rất hiệu quả các giải pháp giải quyết việc làm. Trong đó, đặc biệt ưu tiên giải quyết việc làm cho những lao động yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, Sở LĐTB&XH Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện rất hiệu quả 5 sàn giao dịch việc làm kết hợp với 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Theo đó, khi người lao động đến thực hiện chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được giới thiệu việc làm ngay. Và rất nhiều người lao động có việc làm mà không cần hưởng chế độ BHTN.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức  các phiên giao dịch việc làm tại những quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó là tổ chức các phiên chuyên đề dành cho lao động yếu thế (người khuyết tật, lao động phổ thông....) Hay những phiên chuyên đề về lĩnh vực Marketing, Du lịch – đang được xã hội rất cần.
 Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm việc. Ảnh: Oanh Trần
Đào tạo nghề cũng chiếm vai trò hết sức quan trọng, nhất là khi chúng ta đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô?
Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm của Sở LĐTB&XH Hà Nội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới như kết hợp đào tạo nghề với thị trường lao động, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được thực hiện sát với nhu cầu thực tế của xã hội. Giáo viên vừa dạy nghề vừa trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng mềm để ra trường bắt tay được ngay với công việc. Các cơ sở dạy nghề được TP Hà Nội chú trọng đầu tư cơ sở vật chất...
Các cơ sở dạy nghề phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức những hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho học sinh về đào tạo nghề cũng như giúp phụ huynh yên tâm cho con đi học nghề được các DN đặt hàng tuyển dụng.
Với những giải pháp quyết liệt, đã có hơn 500 DN ký cam kết và quy chế phối hợp tuyển dụng người học nghề vào làm việc. 90% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngay. Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đã tuyển sinh và dạy nghề cho 205.000 người, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo đạt 67,5%, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành chỉ tiêu từ 70 – 75%.
Xin cảm ơn ông!