60% nông dân Hà Nội có sử dụng thuốc thảo mộc
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một số thông tin về hiện trạng sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn TP Hà Nội những năm gần đây?
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Theo số liệu điều tra của Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Nội, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn TP qua các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018 tương ứng là 251, 287, 316, 265 và 362 tấn. Con số này thấp hơn khá nhiều so với trung bình của cả nước.
Cụ thể, lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1ha sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện từ 1,6 - 2kg, trong khi, trung bình toàn quốc sử dụng tới 10 kg/ha, tức là gấp 5 - 6 lần của Hà Nội. Với khối lượng sử dụng như hiện nay, hàng năm, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng chi phí cho thuốc BVTV nói chung.
Tại không ít địa phương, tỷ lệ nông dân không sử dụng thuốc BVTV đạt cao, điển hình là: Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa… Đáng chú ý, gần 60% nông dân Hà Nội có sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học để bảo vệ cây trồng.
Phóng viên: Trong cơ cấu thuốc BVTV được sử dụng tại Hà Nội hiện nay, thuốc diệt cỏ chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm (%)?
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam thì thuốc trừ cỏ có tới 227 hoạt chất, với 694 tên thương phẩm được đăng ký sử dụng trên nhiều loại cây trồng và cả trên đất không trồng trọt. Thuốc trừ cỏ cũng là hoạt chất BVTV nằm trong nhóm độc hại nhất; nếu quá lạm dụng trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của môi trường nông nghiệp, để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe của người dân.
Điều đáng ghi nhận là những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hoạt chất thuốc trừ cỏ. Với lượng thuốc BVTV Hà Nội đã sử dụng một số năm gần đây thì thuốc diệt cỏ chỉ còn chiếm tỷ lệ trung bình từ 10 - 15% trong cơ cấu sử dụng thuốc BVTV nói chung.
Không thiếu giải pháp về thuốc diệt cỏ
Phóng viên: Trước những ảnh hưởng nguy hại của thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc diệt cỏ, Bộ NN&PTNT đã chủ trương cấm một số loại thuốc có chứa gốc độc như 2.4D, Paraquat và mới đây nhất là glyphosate. Tuy nhiên, vẫn cho thời gian “ân hạn” là 2 năm để sản xuất, kinh doanh. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Việc Bộ NN&PTNT cho phép thời gian “ân hạn” là 2 năm để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước khi chính thức cấm lưu hành được thực hiện theo quy định hiện hành. Cụ thể là tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Cá nhân tôi cho rằng, tất cả các chính sách, quy định mới ban hành đều phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới, đồng thời, có kế hoạch và chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, tránh tổn thất cho doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với thông lệ tại nhiều nước trên thế giới.
Phóng viên: Theo ông, liệu canh tác nông nghiệp hiện nay có thể tách rời việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt cỏ nói riêng hay không?
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Trong số thuốc trừ cỏ hiện được phép sử dụng tại Việt Nam, có 13 hoạt chất có thể thay thế 2.4 D, Paraquat, glyphosate trừ cỏ dại trên các loại cây trồng cũng như vùng đất không trồng trọt (trong đó có 6 hoạt chất thuốc BVTV thế hệ mới). Hiện, các thuốc trừ cỏ không chọn lọc, cùng công dụng với Paraquat gồm: Glufosinate-ammonium; Diuron.
Các thuốc trừ cỏ này có thể thay thế hoàn toàn được thuốc trừ cỏ truyền thống và đều có độ độc cấp tính - mãn tính thấp hơn. Ngoài ra, có 71 hoạt chất khác đăng ký trừ cỏ chọn lọc đối với từng nhóm cỏ và trên từng loại cây trồng.
Việc sử dụng thuốc BVTV nói chung, thuốc diệt cỏ nói riêng vẫn có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, về lâu dài, các giải pháp an toàn sinh học, quản lý dịch bệnh tổng hợp, chăm sóc đồng ruộng… sẽ là nhóm giải pháp căn cơ, cần được ưu tiên nhằm hướng tới nền nông nghiệp an toàn cho sức khoẻ cộng đồng.
Phóng viên: Giải pháp đặt ra đối với T.Ư và Hà Nội nhằm quản lý có hiệu quả việc sử dụng thuốc BVTV nói chung, thuốc trừ cỏ nói riêng là gì, thưa ông?
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại: Đứng trước tình hình mới, tôi cho rằng ngành BVTV cũng cần có những thay đổi. Hiện, Bộ NN&PTNT đang siết chặt quản lý đối với lĩnh vực thuốc BVTV. Bộ đã chỉ đạo Cục BVTV tập trung rà soát lại tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký và sử dụng thuốc BVTV; kiên quyết loại bỏ các loại thuốc BVTV có hiệu lực sinh học thấp, độ độc cao và có nguy cơ gây hại sức khỏe con người và môi trường.
Tôi cho rằng, số lượng trên 100 nghìn tấn thuốc BVTV sử dụng mỗi năm tại Việt Nam cần phải được giảm cơ học. Trong đó, ưu tiên giảm ngay sản phẩm thuốc trừ cỏ đang chiếm tỷ trọng quá lớn hiện nay. Tiếp đến là rà soát, giảm dần các hoạt chất thuốc trừ sâu, trừ bệnh độ độc cao, các hoạt chất đã lạc hậu, hoạt chất được khoa học chứng minh là kém hiệu quả.
Để giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV và việc sử dụng thuốc BVTV tại địa phương, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
Giao Chi cục Trồng trọt & BVTV hướng dẫn các trạm Trồng trọt & BVTV và nhân viên trồng trọt - BVTV cấp xã cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng; thông báo chấm dứt sử dụng các loại thuốc không đúng quy định của Bộ NN&PTNT; tiến tới giảm thiểu tối đa lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ mở rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín trên tất cả các loại cây trồng. Tôi cho rằng, khi người nông dân canh tác đúng, chuẩn quy trình và gắn trách nhiệm cộng đồng đối với mỗi nông sản làm ra, thì tự khắc lượng thuốc BVTV sử dụng sẽ giảm đi rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!