Phó Thủ tướng: 2.000 vụ bạo hành trẻ em 1 năm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng cần thực hiện tốt quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện, để người dân dám đứng ra tố giác những vụ xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó phải có các quy định để những chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội được tham gia ngay từ đầu khi có vụ việc xảy ra.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Hơn 62% số trẻ em được hỏi nói rằng bị xâm hại
Chiều 5/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LDTB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay; vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Phó Thủ tướng đánh giá, bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn của toàn thế giới. Một năm có đến 150 triệu bé gái và 73 triệu bé trai bị xâm hại, trong đó có xâm hại về tình dục, xâm hại sức khỏe. Con số 2.000 trường hợp 1 năm ở Việt Nam bị xâm hại, 1.300 đến 1.500 trẻ xem bị xâm hại tình dục 1 năm chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Các tổ chức quốc tế khảo sát ở Việt Nam cho thấy có đến hơn 62% số trẻ em được hỏi nói rằng bị xâm hại; ở Mỹ là 83% bé gái, 79% bé trai bị xâm hại, Hàn Quốc là 67%, Nhật Bản một năm có 224.000 vụ bị xâm hại ở cấp 1 và cấp 2.

Dẫn chứng những số liệu trên, Phó Thủ tướng mong muốn làm sao để các vụ xâm hại được người dân báo đến cơ quan chức năng và bị xử lý kịp thời. Để thực hiện tốt việc này, theo Phó Thủ tướng cần thực hiện tốt quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện, để người dân dám đứng ra tố giác. Bên cạnh đó phải có các quy định để những chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội được tham gia ngay từ đầu khi có vụ việc xảy ra.

Hiện nay, Việt Nam đã có tổng đài bảo vệ trẻ em 111, kể từ khi đường dây nóng hoạt động, số lượng cuộc gọi được chuyển đến rất nhiều.
 Con số 2.000 trường hợp 1 năm ở Việt Nam bị xâm hại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Cần “nắn” mô hình đào tạo lao động theo trình độ

Giải trình thêm về mô hình, cơ cấu thị trường lao động Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu rất nhiều số liệu đầy đủ về thị trường lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo bằng cấp, tỷ lệ lao động chưa có việc làm trong từng phân khúc. Tuy nhiên, ngành lao động mới làm tương đối tốt công tác thống kê về lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, nhưng lao động đào tạo không có bằng cấp, chứng chỉ thì không tốt lắm.

Ngoài ra, phương pháp thống kê về cơ cấu lao động theo trình độ của Việt Nam cũng hơi khác so với quốc tế. Cụ thể, quốc tế không phân biệt riêng trình độ đại học với cao đẳng. Đơn cử, UNESCO phân trình độ lao động làm 5 tầng: nghiên cứu và phát minh ra kiến thức; phổ biến kiến thức; quản lý kĩ thuật; khai thác kĩ thuật công nghệ; trực tiếp vận hành. Tổ chức Lao động quốc tế phân làm 9 loại. Còn ở Việt Nam thì thường phân ra trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.

Phó Thủ tướng phân tích: Theo số liệu về cơ cấu đào tạo theo bằng cấp thì mô hình của Việt Nam không giống nước nào với tỷ lệ 10 đại học: 3-4 cao đẳng:1 trung cấp, sơ cấp bên dưới. Nhưng ở thế giới mô hình là 1 đại học, cao đẳng:4-5 trung cấp:30 sơ cấp. Một số liệu khác cho thấy, năm 2017, cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT ở Việt Nam thì 46 em học đại học, cao đẳng; gần 8 em ở nhà sang năm thi tiếp; gần 22 em đi học trung cấp nghề, còn lại hơn 10 em ra thị trường lao động ngay. Nhưng cơ cấu lao động theo thị trường lao động Việt Nam thì hoàn toàn đúng theo mô hình các nước đang phát triển là hình chóp trong khi mô hình tối ưu của các nước phát triển là mô hình quả trứng.

Cho rằng mô hình thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dần sang mô hình quả trứng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục bao gồm cả giáo dục phổ thông, dạy nghề, đại học và trên đại học để “nắn” mô hình đào tạo lao động theo trình độ dần dần trở về theo đúng xu hướng các nước phát triển. Đồng thời, cần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo bởi hiện nay, 100 lao động chỉ có hơn 50 người được đào tạo, trong đó hơn 22 người là có bằng cấp còn lại vẫn chưa có bằng cấp, chứng chỉ.

“Vì vậy, một mặt chúng ta “nắn” lại mô hình, tỷ lệ đào tạo trình độ đại học, cao đẳng với trung cấp, sơ cấp nhưng mặt khác ngành lao động tới đây phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho 32 triệu lao động còn lại chưa có bằng cấp thì mô hình thị trường lao động của Việt Nam sẽ trở lại theo đúng xu thế”, Phó Thủ tướng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần