Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Các trường đại học không chỉ phối hợp mà đề cao vai trò giám sát!”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay 15/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị Công tác coi thi THPT Quốc gia và tuyển sinh năm 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại các điểm đầu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị các trường đề cao vai trò giám sát khi phối hợp coi thi THPT Quốc gia 2018. Và, các trường đừng có vì yêu cầu riêng của mình mà làm cho việc tổ chức kỳ thi phức tạp thêm.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 dù còn điều này điều khác nhưng về cơ bản là tốt. Phó Thủ tướng cho rằng, tới đây, khi triển khai triển khai ổn định xong chương trình và sách giáo khoa mới cũng như thực hiện đổi mưới tương đối căn bản giáo dục đại học (ĐH theo hướng tự chỉ, thì lúc đó mới có thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi này.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.
“Bây giờ, chúng ta có thể nói với xã hội rằng, trong những năm tới đây, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và ngày càng nhẹ nhàng đi với xã hội với phụ huynh, với các cháu học sịnh. Nhưng kỳ thi vẫn đảm bảo trung thực, khách quan và an toàn” – Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng cho rằng, có được việc này là nhờ sự chung tay không chỉ của ngành giáo dục, cơ sở giáo dục ĐH, các sở GD&ĐT, trường phổ thông mà còn của toàn xã hội. “Qua các kỳ thi vừa rồi, chúng ta thấy sự tham gia của toàn xã hội, từ Đoàn Thanh niên hướng dẫn các cháu học sinh đi thi, đến nhân dân tham gia giúp chỗ ở trọ, cung cấp đồ ăn, thức uống. Có rất nhiều tấm gương cảm động. Tôi cho rằng đó là những điều rất tốt đẹp trong xã hội ngày hôm nay”.

Theo Phó Thủ tướng, mấy năm nay, chúng ta đã định hình được kỳ thi này. Đây chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chứ không phải thi ĐH. Và, khi nào kỳ thi này được tổ chức khách quan, trung thực thì đương nhiên nó sẽ là cơ sở để các trường ĐH tham khảo kết quả thi cũng như phục vụ cho công tác tuyển sinh của mình. Ông yêu cầu, các trường ĐH tiếp tục đổi mới để sau này kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và kiểm tra chất lượng “đầu ra”, thay vì chỉ chăm chăm “đầu vào”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, trong thời điểm này và vài năm tới, sự tham gia của các trường ĐH cùng với các sở GD&ĐT, địa phương tổ chức kỳ thi này là cần thiết. Đây không phải là trách nhiệm vì liên quan đến “đầu vào” như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói mà còn là trách nhiệm xã hội. Cũng bởi: “Các trường ĐH là nơi tập trung tinh hoa nhất của đất nước. Chúng ta phải có trách nhiệm không chỉ với mình mà với xã hội. Bởi đã có một thời gian dài chúng ta để thi cử diễn ra không công bằng với các địa phương và không nghiêm túc… Tôi đồng ý với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là phải tăng vai trò tham gia của trường ĐH, không chỉ là phối hợp mà là giám sát. Các đồng chí coi như là cán bộ Trung ương xuống địa phương, gọi là phối hợp nhưng vai trò giám sát của mình phải được đề cao” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với những ý kiến, yêu cầu rất cụ thể của các trường ĐH với Bộ GD&ĐT đề nghị được giúp đỡ, hỗ trợ trong hội nghị này, Phó Thủ tướng nhắc lại, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, “các đồng chí đừng có vì yêu cầu riêng của mình mà làm cho việc tổ chức kỳ thi phức tạp thêm”.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng cho rằng, năm nay Thủ tướng không phải ra văn bản nào để chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia vì đã thấy ổn định và có lòng tin vào Bộ GD&ĐT. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT căn cứ vào những chỉ đạo của Thủ tướng những năm trước để sát sao với các địa phương, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được. Đây không chỉ là việc của ngành giáo dục, từ các lực lượng công an, tham gia bảo vệ trật tự, hướng dẫn giao thông, cho đến giúp đỡ học sinh, phụ huynh học sinh trong những ngày thi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến khích những tấm gương tình nguyện, không chỉ là thanh niên tình nguyện mà tất cả các đối tượng tình nguyện giúp các cháu học sinh có một kỳ thi thật tốt. Bởi, họ không chỉ giúp kỳ thi, mà những hành động cao đẹp đó còn nhân lên những giá trị, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống. Đó cũng là mục tiêu trong đổi mới giáo dục lần này.