Phó Thủ tướng ‘gỡ khó’ khi doanh nghiệp sữa đối thoại với Bộ Y tế

theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Những câu hỏi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra đã làm dịu không khí trong thời gian còn lại của cuộc đối thoại giữa Bộ Y tế và các DN sữa, chiều 13/3, xung quanh quy định sử dụng muối có I-ốt trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09/2016/ NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Cuộc đối thoại diễn ra tại Văn phòng Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi có kiến nghị của Hiệp hội Sữa Việt Nam phản ánh những bức xúc liên quan đến quy định sử dụng muối có I-ốt trong chế biến thực phẩm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017, ngày 10/3.
DN hỏi thẳng Bộ Y tế
Ngoài lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Hiệp hội Sữa Việt Nam, tham gia cuộc đối thoại còn có đại diện các DN, các nhà khoa học, đại diện Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)…
 Phó Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi với lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng muối I-ốt dùng chế biến thực phẩm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung bày tỏ lo ngại khi áp dụng quy định về sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm sẽ gây nhiều khó khăn cho DN sữa, làm tăng chi phí sản xuất. Lý do  là I-ốt dễ bị ô xy hóa, biến chất trong quá trình chế biến, ảnh hưởng đến màu sắc, mùi vị, cảm quan của sản phẩm, tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh của DN.
Vì vậy, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị chỉ quy định giới hạn sử dụng muối I-ốt để chế biến một số loại thực phẩm nhất định như hạt nêm, gia vị, viên súp thay vì áp dụng cho cả ngành chế biến thực phẩm.
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam Phan Thị Kim cho biết thêm nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mỗi loại thực phẩm chứa hàm lượng I-ốt khác nhau, có độ hao hụt khác nhau, cùng với đó cách thức chế biến, bảo quản cũng khiến hàm lượng I-ốt trong thực phẩm thay đổi, chưa kể chỉ tiêu cảm quan thực phẩm như màu sắc, mùi vị… là quan trọng với người tiêu dùng
“Chúng tôi cho rằng cần quy định chi tiết loại thực phẩm nào phải bổ sung I-ốt còn nếu áp dụng đại trà thì rất khó cho DN. Muối ăn trực tiếp phải có I-ốt nhưng muối dùng chế biến thực phẩm thì cần có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế ”, bà Kim bày tỏ.
Nhiều đại diện DN lo ngại sản phẩm của mình bị kiểm tra và xử lý nếu không có I-ốt, hoặc thực phẩm nhập khẩu từ những nước không bắt buộc sử dụng muối I-ốt sẽ bị xử phạt.
Trao đổi về sự cần thiết của việc ban hành quy định phải tăng cường I-ốt trong muối ăn, muối dùng chế biến thực phẩm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết chương trình phòng chống rối loạn thiếu I-ốt từ năm 1994 đến năm 2005 đã làm giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em (8-10 tuổi), tăng tỷ lệ hàm lượng I-ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của WHO. Tuy nhiên sau 10 năm đến năm 2015, sau khi việc sử dụng muối I-ốt mang tính tự nguyện thì tỷ lệ trẻ em (8-10 tuổi) bị bướu cổ tăng lên 9,8% và là vấn đề sức khỏe cộng đồng và cần can thiệp về chính sách theo khuyến cáo của UNICEF.
“Đây là lý do ban hành Nghị định 09. Quá trình xây dựng Nghị định này, Bộ Y tế đã tổ chức một số hội thảo lấy ý kiến DN và sau khi ban hành cũng đã tổ chức hội nghị triển khai, giải đáp các vấn đề được DN đặt ra”, ông Quang nói.
Đại diện WHO tại Việt Nam có mặt tại cuộc đối thoại nhấn mạnh tầm quan trọng của I-ốt đối với sức khỏe đặc biệt tại Việt Nam khi tình trạng thiếu vi chất này đang trở thành vấn đề tại Việt Nam. Bản hướng dẫn gần đây nhất của WHO vẫn khuyến nghị sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày và trong chế biến thực phẩm là giải pháp tăng cường hiệu quả, kinh tế, đã được sử dụng trên 100 nước khác nhau trên thế giới.
Đại diện WHO cho biết kết quả nghiên cứu của tổ chức này cho thấy việc sử dụng muối I-ốt trong chế biến thức phẩm có gây ra sự biến đổi về cảm quan, mùi vị thực phẩm nhưng không đáng kể và có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, TS. Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển trẻ em của UNICEF Việt Nam, chia sẻ sự cần thiết phải bổ sung I-ốt trong các thực phẩm sử dụng hàng ngày ở Việt Nam, nhằm bảo đảm bảo sự phát triển trí lực, sức khỏe cho trẻ em.
“Tại nhiều quốc gia việc triển khai sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm công nghiệp cũng gặp phải những vấn đề được nêu ra trong cuộc đối thoại này nhưng chúng tôi mong Chính phủ, cộng đồng DN ở Việt Nam ủng hộ triển khai chủ trương này”, TS. Friday Nwaigwe nói.
Từ góc độ nghiên cứu về chính sách, TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đặt câu hỏi có nên vì một tỷ lệ người dân thiếu I-ốt mà buộc mọi người phải dùng muối I-ốt?
“Vì vậy, có lẽ cần tiếp cận vấn đề này dựa trên sự tự nguyện của các DN trong sử dụng muối I-ốt để chế biến thực phẩm như các nước phát triển và có chỉ dẫn cho người tiêu dùng những sản phẩm có I-ốt”, ông Cung trao đổi.
 Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ủng hộ việc sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm. Ảnh: VGP/Đình Nam
Giải đáp câu hỏi của ông Cung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định quy định trong Nghị định 09 chỉ bắt buộc có I-ốt trong muối ăn và muối dùng cho chế biến thực phẩm chứ không phải là trong thực phẩm.
“Việc ban hành Nghị định 09 nhằm ứng phó với tình trạng trẻ em (8-10 tuổi) bị bướu cổ tăng nhanh chóng, hàm lượng I-ốt trong cơ thế người Việt Nam xuống dưới mức tối thiểu và trở thành vấn đề sức khỏe y tế công cộng và cần can thiệp về chính sách như khuyến cáo của WHO và UNICEF”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Những câu hỏi của Phó Thủ tướng
Xuất hiện sau khi cuộc đối thoại đã diễn ra khá lâu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc bổ sung vi chất dinh dưỡng rất quan trọng với trẻ em Việt Nam, vì vậy, thực hiện Nghị định 09 là cần thiết.
Ba câu hỏi được Phó Thủ tướng nêu ra là: Nghị định 09 chỉ quy định muối ăn, muối dùng chế biến thực phẩm phải có I-ốt vậy có bắt buộc thực phẩm sau khi chế biến phải có I-ốt? Sau khi Nghị định 09 có hiệu lực Bộ Y tế có kiểm tra các DN sữa không? Bộ Y tế có kiểm tra các sản phẩm sữa bán ra không?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định đối tượng điều chỉnh của Nghị định 09 là các DN sản xuất muối ăn và muối dùng chế biến thực phẩm bắt buộc phải có I-ốt. Bộ Y tế không có kế hoạch kiểm tra DN sữa hay các sản phẩm sữa về hàm lượng I-ốt.
“Vậy các DN có bằng chứng cụ thể về ảnh hưởng của việc sử dụng muối I-ốt đến dây chuyền, sản phẩm của mình không?”, Phó Thủ tướng hỏi tiếp.
Một đại diện DN cho biết sản phẩm nước giải khát muối khoáng đóng chai của mình đã đổi màu, đổi vị khi sử dụng muối I-ốt.
“Điều đó có nghĩa trong một bộ phận DN sản xuất thực phẩm vẫn cần sử dụng muối dùng chế biến thực phẩm không chứa I-ốt. Vì vậy, vẫn cần phải có hướng dẫn cụ thể với những dòng sản phẩm thực phẩm không sử dụng muối I-ốt”, Phó Thủ tướng nhận xét và đề nghị Bộ Y tế phải xem xét, có giải pháp xử lý vấn đề này và cả với những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu không có I-ốt.
Những câu hỏi và gợi mở của Phó Thủ tướng, sau đó là trả lời của lãnh đạo Bộ Y tế đã khiến nhiều DN “thở phào”.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Nguyễn Quang Trung vui vẻ: “Nếu Bộ Y tế trả lời như thế này thì có lẽ DN sẽ không có kiến nghị gì cả”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có ngay văn bản trả lời các kiến nghị, hướng dẫn cụ thể cho các DN thực phẩm, DN sữa về sử dụng muối I-ốt.
“Nếu chúng ta đối thoại kỹ càng và lắng nghe nhau để cùng giải quyết những vướng mắc thì không có vấn đề gì cả. Tôi đề nghị những cuộc đối thoại như hôm nay sẽ trở thành thường xuyên. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ thành lập một tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến của DN và ‘kết nối’ với các bộ, ngành để tổ chức đối thoại thẳng thắn giữa các bên.
Vai trò của Chính phủ kiến tạo không chỉ ra chính sách đúng mà còn làm cho mọi ý kiến trong xã hội đồng thuận với nhau theo hướng tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần